9 kiến nghị 'rút ruột' của các doanh nghiệp lớn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

author 16:58 17/05/2017

(VietQ.vn) - Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, các doanh nghiệp đã bày tỏ thông điệp, nguyện vọng của mình với Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

 Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: Cần sớm có văn bản cụ thể về chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG. Ảnh:  Zing.vn

Bà Nga kiến nghị Chính phủ cần có các hành lang pháp lý, các quy định, văn bản cụ thể để Doanh nghiệp được bảo vệ, không hình sự hóa các vi phạm kinh tế của Doanh nghiệp và Doanh nghiệp có cơ hội được khắc phục nếu có sai sót. Điều này sẽ tạo nền tảng và niềm tin cho các doanh nghiệp, các doanh nhân đối với Chính phủ, và tạo tiền đề cho các nhà đầu tư mạnh dạn hơn, vững tin hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng kiến nghị Chính phủ sớm có những nghị định, văn bản để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân chúng tôi hoạt động kinh doanh, phát triển bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng đây sẽ là mốc đánh dấu vị thế quan trọng mà doanh nghiệp tư nhân xứng đáng có được, khi khu vực kinh tế tư nhân hiện đã chiếm tỉ trọng gần 40% trong GDP.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH: Cần ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm

  Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH. Ảnh: Zing.vn

Tôi đã tham gia nhiều hội nghị và đã kiến nghị cần ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm, vì nó liên quan đến sức khỏe cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến sức khỏe trẻ em.

Vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và kiến nghị của doanh nhân là cần ban hành ngay các tiêu chuẩn về sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm sữa, vì nó không chỉ liên quan đến sức khỏe con trẻ mà sức khỏe của tất cả mọi người.

Để nước ta biến thành “bếp ăn thế giới” thì chúng ta phải làm tốt ngay trong nước và phải ban hành ngay các tiêu chuẩn về sản phẩm sữa để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, phải có đạo đức trong kinh doanh, phải có trách nhiệm với xã hội.

Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt NamChính phủ Việt Nam cần cân nhắc vấn đề minh bạch và công bằng trong diễn giải, biện luận

Các kiến nghị và yêu cầu hàng đầu đối với các công ty Nhật Nản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam là cần cải thiện tính minh bạch, tiêu chuẩn áp dụng, diễn giải, phản biện luật pháp và các quy định tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành kiến nghị ưu đãi thời gian thu phí cho dự án BOT

Ông Lê Văn Kiểm chia sẻ một số khó khăn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng đường cao tốc. Theo ông Kiểm, bản thân Golf Long Thành cũng có đối tác nước ngoài là Nhật Bản. Để có đủ vốn thực hiện thì cần nguồn vốn lớn, nhưng ngân hàng Việt không đáp ứng được. 

"Chúng tôi đã ký với đối tác Nhật và họ lo nguồn vốn hàng tỷ USD để thực hiện các dự án BOT, hoặc mua các dự án BOT. Nhưng hiện nay có khó khăn là các dự án thực hiện phải cần thời gian dài, nhưng tỷ giá luôn thay đổi nên đề nghị Chính phủ có bảo lãnh về tỷ giá để thu hồi vốn, trả cho nước ngoài. Cụ thể, nếu biến động tỷ giá lớn thì được tăng thời gian thu phí", ông Kiểm nói. 

Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải: Kiến nghị về liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước

Ông Phạm Hồng Hải - Chủ tịch HSBC 

Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải kiến nghị về liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế; nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; giải pháp nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt;... 

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng nếu doanh nghiệp trong nước chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ thì sẽ khó trụ vững. Thay vào đó, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư công nghệ để phát triển cạnh tranh bền vững.

Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục kiên định con đường cải cách để Việt Nam sớm trở thành "con hổ" mới của châu Á.

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Amcham: Cần loại bỏ rào cản phiền phức trong thương mại 

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ loại bỏ rào cản phiền phức trong thương mại, rào cản lớn để đạt được một thoả thuận thương mại tự do. Chúng tôi quan ngại về một số rào cản, gồm Nghị định 38 về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh mới theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Nghị định 23, Thông tư 19 về thanh toán điện tử… Những rào cản này làm tăng chi phí, ảnh hưởng hoạt động thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách sửa đổi các điều khoản hạn chế quảng cáo mạng Internet trong Nghị định 181. 

Cần tiếp tục thận trọng xem xét mở rộng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có đem lại lợi ích thật sự cho người lao động này không.

Cuối cùng, để tận dụng tối đa lợi ích của những cam kết thuận lợi hoá thương mại WTO, chúng tôi đề xuất Việt Nam kích hoạt Uỷ ban quốc gia về thuận lợi hoá thương mại nhằm hỗ trợ điều phối nội địa và thực hiện cam kết này. 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Cần thành lập Tập đoàn bán lẻ đa sở hữu

Đề nghị bổ sung ngành bán lẻ, bao gồm tất cả các loại hình bán lẻ vào lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, với tư cách là ngành nghề độc lập, không phải nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Chính phủ cần nghiên cứu và xây dựng các chương trình khuyến thương để khuyến khích thương mại, bên cạnh các chương trình khuyến công và khuyến nông hiện tại. Trong thời gian chờ đợi, nên bổ sung các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào các chương trình khuyến công, khuyến nông, qua đó giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ - khâu kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng.

Bà Loan cũng đề nghị thành lập một Tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hàng đầu hiện tại. Ước tính, nếu được xây dựng tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 đến 5 tỷ USD mỗi năm. Mô hình này trước đây đã từng được xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, tuy nhiên do không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh và những khó khăn trong khâu quản lý nên đã thất bại.

Đồng thời, với quy mô và tính đa dạng như hiện tại, bà Loan cũng đề nghị bổ sung ngành bán lẻ với tư cách ngành nghề kinh doanh độc lập, không nằm trong ngành nghề cơ sở hạ tầng như hiện tại. 

Thống đốc NHNN: Sẽ đổi mới cách thức cấp tín dụng nhằm phân loại doanh nghiệp(VietQ.vn) - Tại Hội nghị Thủ Tướng với doanh nghiệp năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng doanh nghiệp, định hướng tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY: Cần bảo vệ quyền của người mua nhà

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY kiến nghị giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh tình trạng thu hồi trắng tài sản của nhà đầu tư. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị các giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường bất động sản

Ông Châu kiến nghị về các giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường bất động sản như giải pháp hạch toán bù trừ trong kinh doanh bất động sản ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; sửa đổi luật đầu tư kinh doanh; đề nghị UBND TPHCM có giải pháp khẩn cấp hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven TPHCM.

Ông Châu còn kiến nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản để có quy định ngăn chặn được tình trạng cò đất núp bóng doanh nghiệp kinh doanh, "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá đất; cũng cần sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai doanh nghiệp cổ phần hóa; bảo vệ quyền lợi của người mua nhà... 

Ánh Ngân (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang