Các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 15/4

author 17:13 15/04/2020

(VietQ.vn) - Từ ngày 15/4/2020, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Điều 38, 39, 40 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực BHXH.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động VN kiểm tra công tác phòng dịch COVID-19 tại doanh nghiệp. 

Chậm đóng BHXH bắt buộc có thể bị phạt 75 triệu đồng

Theo đó, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp; không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BH thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp theo quy định…

Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng được áp dụng khi người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người lao động kê khai không đúng sự thật nội dung hưởng BHXH bị phạt từ 1-2 triệu đồng

Với người lao động, tại Điều 39 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm như: kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Còn người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp để trục lợi chế độ BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ BH Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng BHXH bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH bắt buộc của người lao động.

Người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động, khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật thì bị phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như: không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không trả sổ BHXH cho người lao động…

Bên cạnh các mức xử phạt, Nghị định cũng quy định rõ các biện pháp khắc phục đối với các vi phạm.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang