Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản hội tụ tại Hội nghị VJSE 2017

author 11:29 17/09/2017

(VietQ.vn) - Hội nghị Giao lưu khoa học Việt Nhật lần thứ 10 - VJSE2017 diễn ra mới đây tại Nhật Bản đã được sự quan tâm ủng hộ ngoài mong đợi và là một sự khích lệ rất lớn đối với cộng đồng tri thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản.

Hội nghị Trao Đổi Khoa học Việt – Nhật (VJSE), tiền thân là Hội nghị Trao đổi Học thuật Sinh viên Việt – Nhật, là hoạt động thường niên của Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản hướng đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sinh viên người Việt đang công tác và học tập tại Nhật Bản.

Hội nghị VJSE lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004 tại trường Đại học Osaka. Sau đó, Hội nghị được tổ chức tại Kobe, Kyoto và Tokyo. Kể từ năm 2013, các chi hội VYSA thống nhất tổ chức Hội nghị VJSE trở thành một hoạt động thường niên và được luân phiên tổ chức giữa các Chi hội VYSA.

Trong những năm qua, Hội nghị VJSE đã là nơi hội tụ, gặp gỡ, trao đổi chuyên môn giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản. Hội nghị nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương tại hội nghị VJSE 2017. Ảnh Dân Trí

Mới đây, Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp cùng Mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức thành công Hội nghị Giao lưu khoa học Việt Nhật lần thứ 10 - VJSE2017 tại trường Đại học Shibaura – Khuôn viên đặt tại Toyosu.

Với quy mô tổ chức và nhận bài tầm quốc tế, hội nghị đã mang tới cho các khách mời, tác giả, và người tham dự bài báo cáo toàn thảo, 6 bài báo cáo chủ đạo, 15 bài phát biểu từ khách mời, 74 bài thuyết trình của các tác giả đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Với 8 phiên báo cáo chuyên đề và 1 triển lãm poster, hơn 230 người tham gia đến từ 5 quốc gia và trên 20 thành phố lớn của Nhật Bản, VJSE2017 đã nhận được sự quan tâm ủng hộ ngoài mong đợi và là một sự khích lệ rất lớn đối với cộng đồng tri thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản.

Sự kiện vinh dự tiếp đón Ngài Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS. Masato Murakami, Hiệu trưởng trường Đại học Shibaura, Nhật Bản; Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán, Trưởng bộ phận Khoa học & Công nghệ; Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và công nghệ; PGS.TS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và PGS.TS. Đào Thanh Trường, Trưởng khoa Khoa học quản lý, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội.

Mở đầu hội nghị, TS. Lê Đức Anh, đồng trưởng ban tổ chức Hội nghị, tổng hợp quá trình phát triển của VJSE, báo cáo số lượng người tham gia và số bài phát biểu của Hội nghị năm nay. Tiếp theo đó, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường phát biểu chúc mừng sự lớn mạnh của cộng đồng nghiên cứu người Việt tại Nhật Bản cũng như sự năng động của đội ngũ nghiên cứu trẻ. GS Masato Murakami, Hiệu trưởng Trường ĐH Shibaura cũng có bài phát biểu khẳng định ý nghĩa và chúc mừng Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Dân Trí

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương trình bày những điểm chính trong chính sách phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới. Và đặc biệt, GS. Murakami có bài thuyết trình với chủ đề “Is Science Almighty?” (“Khoa học có toàn năng?”) nhằm nhấn mạnh vai trò sáng tạo của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị bước vào phần phát biểu tham luận với phần chia sẻ của các giáo sư Hồ Tú Bảo (JAIST), GS. Susumu Sugiyama (Ritsumeikan Univ.), PGS. Tạ Cao Minh (ĐHBK Hà Nội) với các nội dung về “IoT – From Technology to Application” và GS. Craig Parsons (Yokohama National Univ.), GS. Emiko Okazaki (Tokyo Univ. of Marine Science & Technology), và GS. Nobuhiko Sarukura (Osaka Univ.) với chủ đề “Vietnam – Japan Collaboration” – “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản”. Trong phiên buổi chiều, Hội nghị tiếp tục Với 8 phiên báo cáo chuyên đề và 1 buổi triển lãm với đầy đủ các nội dung về nông nghiệp, môi trường, khoa học ứng dụng, kỹ thuật môi trường, Y – sinh, kinh tế,…

Trong lễ tổng kết Hội nghị, Ban tổ chức đã chọn ra 8 giải Bài thuyết trình xuất sắc nhất dành cho các bài trình bày tốt nhất trong từng phiên thảo luận và 3 giải Poster xuất sắc nhất cho các nhóm tác giả trình bày Poster tại Hội nghị. Đặc biệt, Ban tổ chức cũng dành ra 3 giải Diễn giả trẻ tuổi nhất cho các em học sinh phổ thông đã trình bày những nghiên cứu của mình tại Hội nghị.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang