Các nhà máy sản xuất giấy vệ sinh làm việc hết công suất trong mùa dịch Covid-19

author 06:56 19/03/2020

(VietQ.vn) - Trước nhu cầu quá lớn về giấy vệ sinh, các công ty đã phải vận hành 24/7, nhân viên làm việc hết công suất, nhiều nơi cắt bớt sản lượng khăn giấy, khăn bếp,...

Đại dịch Covid-19 đang trở thành nỗi ám ảnh khiến các nước châu Âu rơi vào khủng hoảng giấy vệ sinh. Người dân đổ xô đi tích trữ, kệ hàng luôn trong tình trạng trống trơn.

Theo CNN Business, các công ty sản xuất giấy đang cố gắng điều chỉnh để đáp ứng đủ nguồn cung. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất vận hành 24/7, nhân viên làm việc hết công suất.

"Tôi thực sự không thể giải thích được tại sao mọi người mua nhiều giấy vệ sinh như vậy. Điều này có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn”, Tom Sellars, CEO cơ sở sản xuất giấy tại Milwaukee, Wisconsin, Mỹ cho biết.

Georgia-Pacific, một trong những nhà sản xuất khăn giấy, bột giấy hàng đầu thế giới, cho biết, đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ đã tăng gần gấp đôi chỉ trong một tuần. Công ty phải tăng công suất làm việc lên hơn 20% so với bình thường.

 Kệ giấy vệ sinh gần như trống rỗng trong siêu thị Tesco, Banbury, Anh 

Heidi Brock, CEO của Hiệp hội Giấy & Lâm nghiệp Mỹ (AFPA) cho biết, ngành công nghiệp giấy đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến từ thị trường. Nhưng điều đó không dễ dàng cho các nhà máy.

"Chúng tôi nhập cuộn lớn từ các nhà máy, sau đó cắt và đóng gói thành các sản phẩm như giấy vệ sinh, giấy ăn, khăn bếp,... tùy thuộc vào chất lượng của giấy", Tom Sellars nói.

"Các nhà máy đều hoạt động 24/7 và làm việc với công suất tối đa", Sellars nói.

"Tôi cho rằng, các nhà bán lẻ đang bán lượng hàng tồn kho sẵn có trong khi chờ đợi lô hàng mới từ nhà sản xuất", ông nhận định.

Đối với nhà sản xuất, việc tăng sản lượng một cách gấp rút là không khả thi. Thay vào đó, họ có thể hiệu chỉnh việc phân bổ các loại sản phẩm. “Ví dụ, cắt sản lượng của khăn giấy, khăn bếp,... và dốc toàn lực vào giấy vệ sinh”, Sellars cho biết.

Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Kimberly-Clark (KMB), sở hữu 2 thương hiệu giấy vệ sinh Scott và Cottonelle, cho biết họ đang tiến hành đẩy nhanh sản xuất và phân bổ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

"Chúng tôi muốn đảm bảo với người tiêu dùng rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức để đáp ứng nguồn cung cho thị trường, và sẽ tiếp tục điều chỉnh khi cần thiết", KMB nói với CNN Business.

Một số nhà phân phối đưa ra phương án rút ngắn quy trình bằng cách vận chuyển trực tiếp từ nhà máy đến các điểm bán lẻ nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, Scott Luton, CEO của Supply Chain Now Radio, công ty truyền thông kỹ thuật số tập trung vào quản lý chuỗi cung ứng cho biết.

Sahil Tak đồng sở hữu thương hiệu ST Paper & Tissue cho hay, công ty của anh sản xuất từ các sản phẩm thô đến thành phẩm hoàn chỉnh như giấy vệ sinh, khăn giấy. Sản phẩm của công ty được làm từ giấy tái chế chủ yếu phục vụ cho khách sạn, bệnh viện, trường học và văn phòng. Tak gọi đó là thị trường "xa nhà", ít bị ảnh hưởng khi xảy ra khủng hoảng như hiện nay.

 ST Paper & Tissue sản xuất các sản phẩm giấy từ 100% vật liệu tái chế cho các doanh nghiệp, khách sạn và trường học. (Nguồn ảnh: CNN)

Điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp của anh không bị ảnh hưởng. Tak cho biết anh đã nhận được yêu cầu từ các nhà sản xuất giấy vệ sinh cho thị trường gia đình hỏi liệu anh có hàng để cung cấp cho họ hay không.

"Nguồn cung của chúng tôi đang bị thắt chặt. Công ty hiện có hơn 200 nhân viên, hoạt động 24/7. Nhân sự không phải vấn đề, mà việc cần quan tâm là làm thế nào để tăng năng suất hiệu quả nhất”, Tak nói.

Tuy nhiên, Tak quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của nhân viên. "Dịch bệnh đang diễn biến khó lường. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhân viên nhiễm bệnh, công ty phải đóng cửa?", Tak lo ngại.

Rob Baron, CEO của Marcal Paper, công ty chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm giấy cho cả đối tượng khách hàng gia đình và thương mại, cũng có mối quan tâm tương tự.

Marcal Paper vừa hoạt động trở lại vào tháng một, một năm sau khi đám cháy thiêu rụi cơ sở sản xuất 80 năm tuổi. "Trước khi giải quyết các nhu cầu tăng đột biến, chúng tôi cần đảm bảo an toàn cho nhân viên của công ty”, ông Baron nói.

Nhu cầu về giấy vệ sinh Marcal từ khách hàng bán lẻ tăng hơn 25%, ông nói. "Công ty đang vận hành 24/7. Có rất nhiều thứ cần phải làm để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu này, vì chúng tôi không có nhân sự dư thừa”.

Baron cho biết, Marcal chưa có thêm khách hàng mới tại thời điểm này. "Chúng tôi phải chăm sóc các khách hàng dài hạn hiện tại và đảm bảo cung cấp đủ cho họ trước".

Một lo lắng lớn khác là việc người dân dự trữ giấy vệ sinh, có thể làm ảnh hưởng đến doanh số của các nhà sản xuất.

"Họ đã mua rất nhiều giấy vệ sinh và có thể sẽ không có nhu cầu mua thêm trong vòng 3-4 tháng nữa. Nó có thể khiến các nhà sản xuất lao đao”, Baron nói.

Bảo Linh (theo CNN)

Ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, Boeing tìm kiếm 60 tỷ USD viện trợ ngành công nghiệp hàng không(VietQ.vn) - Boeing đang đàm phán với các quan chức cấp cao của Nhà Trắng và Quốc hội Hoa Kỳ về việc hỗ trợ “kinh tế ngắn hạn” cho toàn bộ ngành hàng không Mỹ.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang