Các tân đại sứ nhận hàng loạt đặt hàng từ doanh nghiệp

author 15:19 17/06/2016

(VietQ.vn) - Nhiều đại sứ trong nhiệm kỳ mới đã được các doanh nghiệp dẫn đầu trong tối ngày 10/6 đặt hàng trong một buổi gặp gỡ thân mật.

tt

'Hãy hành động, đừng than vãn'

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Shoes, Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam,nhắc lại rằng từ khi mở cửa đến nay ngành hàng da giầy luôn đứng đầu trong các ngành về kim ngạch xuất khẩu, chẳng hạn năm 2015 là 15 tỷ USD, và dự kiến 2016 sẽ cán đích 17 tỷ USD.

"Hiệp hội muốn đặt hàng trực tiếp với các vị đại sứ ở Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… để giúp chúng tôi nghiên cứu về năng lực sản xuất, chi phí giá thành và cơ sở sản xuất của những nước đó, làm sao giúp doanh nghiệp giữ được đơn hàng Việt Nam trong những vùng này”, ông Thuấn đặt hàng và nhận định ngành này ở Việt Nam có công nghệ hiện đại, và thị trường thì rất lớn.

Cũng theo ông Thuấn, ngành này đang muốn thành lập các vùng công nghiệp đặc thù ở Bangladesh, Myanma… để tận dụng vùng nguyên liệu và ưu đãi về thuế quan để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi đang rất lo ngại, từ 1/7/2016 Mỹ đã cho Philipphine, Indonesia, Thái Lan, và đang chuẩn bị cho Myanma ưu đãi thuế phổ cập. Làm  sao các vị đại sứ vận động để doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi này. Chủ trương chung của chúng tôi chỉ xâm nhập vào thị trường có thu nhập bình quân đầu người từ 15 ngàn USD/năm trở lên”?, ông Thuấn đặt hàng.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty Vissan đầy trăn trở: “ Theo các kết quả nghiên cứu, đạm động vật của người Việt Nam đang còn thấp, bên cạnh đó là day dứt đeo đuổi mãi về an toàn thực phẩm khi chưa được truy suất nguồn gốc".

"Làm thế nào để phát triển giống nòi? Tại sao ngành súc sản lại dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập? Tại sao không nghĩ để xuất khẩu, phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật? Đó là một loạt câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp. Tôi hy vọng các vị đại sứ ngồi đây sẽ giúp chúng tôi vượt qua hàng rào đó”

Không chỉ mở rộng thị trường sang các nước, việc nhượng quyền thương hiệu cao cấp từ nước ngoài đang là hướng mở cho các doanh nghiệp trong nước, giúp khởi nghiệp thành công nhanh hơn.

CEO của hãng kem Baskin Robbins Việt Nam Nguyễn Thành Nam cho biết công ty ông nhận nhượng quyền thương hiệu kem Baskin Robbins của Mỹ từ năm 2012 và thời điểm này đã có bốn mảng kinh doanh, gồm chuỗi 40 nhà hàng Baskin Robbins, hàng đóng gói sẵn bán vào các siêu thị.

Mặt hàng thứ ba là bán vào hệ thống nhà hàng, resort và cuối cùng là từ năm 2012, Baskin Robbins đi đầu tạo ra sản phẩm bánh kem lạnh, "ban đầu một tháng bán vài chục cái, giờ bán từ 8-10 ngàn cái/tháng, có hẳn xưởng sản xuất riêng bánh kem lạnh".

"Tin rất vui nữa là tập đoàn bên Mỹ đã cho phép chúng tôi được khai thác cả thị trường Campuchia", ông Nam chia sẻ.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, một vị đại sứ cũng kiến nghị với nhà nước về những khó khăn rằng năm nào các đoàn đại sứ trước khi đi cũng gặp gỡ các doanh nghiệp, "đến đâu cũng hứa hẹn nhiều lắm, nhưng rồi nhìn lại cũng chưa làm được bao nhiêu".

"Sang nước ngoài thấy mênh mông lắm. Cái gì Việt Nam cũng cần, trong nước phải đặt hàng trực tiếp xem thực sự cần gì thì mới hiệu quả. Đây là lỗi cả hai bên"

Ông lấy thí dụ Bình Thuận muốn xuất khẩu thanh long qua Mỹ, và nhu cầu cũng có "nhưng thanh long của ta lại không bán được vì giá cao, sang đó thì… héo quắt, đến tôi còn không dám nhìn nữa. Phải có cách nào để giảm giá thành xuống và rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo đảm thanh long sang Mỹ vẫn còn tươi ngon".

Bà Ngô Thị Hòa, đại sứ Việt Nam tại Hà Lan: “ Tôi rất trân trọng buổi làm việc hôm nay, tiếp xúc với doanh nghiệp, bản thân tôi đã định hình cho chương trình làm việc của mình, hỗ trợ vấn đề biến dổi khí hậu của Việt nam hiện nay, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long. Mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp và địa phương để hợp tác với Hà Lan. Đây là chương trình quốc gia cấp bách cần thúc đẩy mạnh hơn nữa, nhất là các đối tác ở Hà Lan”.

 

Văn hóa, du lịch cũng là một sản phẩm đặc thù

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh đến những thiệt hại lớn về hạn mặn, về nguồn nước, và về sự phát triển cho du lịch của Bến Tre trên nền văn hóa.

Theo ông, Bến Tre cách Sài Gòn không xa, với thế mạnh kinh tế biển, trái cây, đặc biệt là dừa. Tỉnh này quan tâm đến doanh nghiệp với chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, không chỉ phát triển số lượng khởi nghiệp, mà theo ông Mãi là phải kết nối được với doanh nghiệp thể giới và TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm.

"Trước đây Bến Tre bị cô lập như một tỉnh cù lao, giờ phải chạy nhanh hơn các tỉnh bạn mới theo kịp, rất mong các anh chị đại sứ giúp cho đào tạo nhân lực. Vừa rồi Bến Tre bị tác động mạnh bởi hạn mặn, thiệt hại 1500 tỷ, gần bằng thu ngân sách 2015. Trước mắt phải tập trung có nước cho sinh hoạt, sản xuất, nhưng về sau phải quy hạch lại vấn đề nước cho sinh hoạt, sản xuất và du lịch".

Ông Mãi kiến nghị về chuyện các đại sứ có thể "kết nối với ngân hàng thế giới để giúp Bến Tre giải quyết vấn đề nước bài bản hơn.

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp quốc cam kết: "Chúng tôi đã nhận được những yêu cầu cụ thể từ các doanh nghiệp để thực thi ngay trong nhiệm kỳ này.

Đây là quan hệ hai chiều, cùng đồng hành. Tôi mong muốn những Ngày Việt Nam, Tuần Việt Nam, Tháng Việt Nam tại các nước có sự đồng hành cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam"

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói: “Tôi ấp ủ nhiều năm nay về xây dựng thương hiệu quốc gia. Hòa bình là bộ phận cấu thành của thương hiệu Việt Nam. Không ai xứng đáng được hưởng hòa bình trong sự độc lập hơn dân tộc Việt Nam, nhất là khi có câu chuyện Biển Đông. Điều này được giới trẻ thể hiện rất đa dạng".

"Câu chuyện hòa bình, một chương trình âm nhạc đã được đi lưu diễn nhiều quốc gia là việc làm ý nghĩa. Các vị đại sứ khi tổ chức các sự kiện văn hóa giữa hai nước, nếu có thêm chiều kích đó cũng rất ý nghĩa".

Kim Yến

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang