Các tổng công ty của Bộ Quốc phòng đang kinh doanh những lĩnh vực nào?

authorĐỗ Thu Thoan 09:06 10/07/2017

(VietQ.vn) - Bộ Quốc Phòng hiện đang là bộ ngành đang trực tiếp quản lý nhiều Tập đoàn, tổng công ty nhất với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc.

Theo Vnexpress, Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Do đặc thù hoạt động, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn...

Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Dù chỉ là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nhưng Viettel lại là đơn vị đang giữ vị thế lớn nhất trên thị trường và tạo sự cách biệt lớn với hai nhà mạng đứng sau là VinaPhone và Mobifone. Ngoài ra, Viettel cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động ra nước ngoài.

Năm 2016, Viettel đạt hơn 226.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 10 tỷ USD và hơn 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng doanh thu của Viettel cũng gấp gần 3 lần doanh thu của VinaPhone và Mobifone cộng lại, đồng thời là đơn vị đang đóng góp vào ngân sách lớn nhất trong số các doanh nghiệp quốc phòng, đạt trên 40.000 tỷ đồng.

cac-tong-cong-ty-cua-bo-quoc-phong-dang-kinh-doanh-nhung-linh-vuc-nao

Viettel là doanh nghiệp quốc phòng đứng đầu về đóng góp vào ngân sách với hơn 40.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo Vnexpress, một cái tên thường được nhắc đến ngay sau Viettel là Ngân hàng Quân đội (MBB). Nhà băng này cũng thuộc top một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay và được xét trong nhóm "Big 4" của thị trường.

Trong số hơn 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bay dầu khí và cho thuê chuyên nghiệp. Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Tổng công ty 15 cũng là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trồng cao su và khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên với đà lao dốc của giá mặt hàng này trong những năm gần đây, hoạt động của Tổng công ty 15 dần trở nên mờ nhạt so với những doanh nghiệp khác trong nhóm.

Về xây dựng - bất động sản, đây là lĩnh vực chiếm ưu thế nhất về số lượng và có sự hiện diện của gần một nửa số doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Bộ Quốc Phòng lại có những thế mạnh riêng, dẫn thông tin theo Trí thức trẻ.

Một số doanh nghiệp lớn khác cũng hoạt động trong lĩnh vực này có thể kể đến như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319 hay Tổng công ty xây dựng Lũng lô. Trong đó Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 là những doanh nghiệp “đánh đông dẹp bắc” với thanh thế lớn nhất.

Nếu như Tổng công ty 319 gây dựng hình ảnh với các dự án bất động sản và hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT và mở rộng quốc lộ 1A, thì Tổng công ty 36 lại hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu)

Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty 789 và Tổng công ty Thành An cũng đều hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản. Trong đó, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài và dự án y tế, bệnh viện lớn như Bệnh viên Bạch Mai cơ sở II... còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong số những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là những đơn vị có thế mạnh đặc thù trong xây lắp các công trình thủy điện.

cac-tong-cong-ty-cua-bo-quoc-phong-dang-kinh-doanh-nhung-linh-vuc-nao

Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Ảnh: Trí thức trẻ

Cũng theo Vnexpress, với lĩnh vực hoạt động khá chuyên biệt, Tổng công ty Hợp tác Kinh tế đầu tư chủ yếu vào các công trình tại Lào và 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, trong khi Tổng công ty xây dựng Công trình Hàng Không (ACC) sản xuất chủ yếu các sản phẩm bê tông cho các dự án lớn.

Với lĩnh vực đóng tàu, hai doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng đang hoạt động này gồm Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son, tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động với một đặc thù riêng.

Theo Trí thức trẻ, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác, dù chỉ ở thế “thân cô thế cô” nhưng đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Tân Cảng Sài Gòn (Logistics), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) hay Tổng công ty Đông Bắc (khai thác than)...

Trong số những doanh nghiệp kể trên, ngoài MBB và Tổng công ty 36 đã cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu, những cái tên còn lại hầu hết vẫn trực thuộc bộ quốc phòng. Ngoại trừ Tổng công ty 15, những doanh nghiệp còn lại đều có hoạt động ổn định và có tiềm năng phát triển, đây sẽ là những cơ hội hiếm có với nhà đầu tư nếu những doanh nghiệp này cổ phần hóa và thoát khỏi “cái bóng” Bộ Quốc Phòng.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang