Cách chọn và sử dụng nồi áp suất

author 07:52 16/01/2013

(VietQ.vn) - Nồi áp suất là một loại dụng cụ nhà bếp rất tiện lợi với các ưu điểm: tiết kiệm nhiên liệu, giữ được các chất bổ dưỡng trong thức ăn. Mặt hàng này trên thị trường hiện có rất nhiều xuất xứ. Dưới đây là 1 số gợi ý để bạn lựa chọn và sử dụng nồi áp suất 1 cách hoàn hảo nhất

 Với nồi áp suất truyền thống:

Kích cỡ:

Khi lựa chọn kích cỡ của nồi, cần quan tâm đến số lượng khẩu phần mà bạn sẽ nấu. Những món ăn phù hợp với nồi áp suất như súp, gạo hay đậu có thể làm cho nhiều người ăn hoặc làm với số lượng nhiều để đông lạnh và dùng dần.

Một đặc điểm nữa cần phải lưu ý là chỉ được phép nấu thức ăn với dung lượng không quá 2/3 nồi. Đối với những thực phẩm nổi nhiều bọt trong khi nấu như đậu… thì dung lượng được phép chỉ ½ nồi.

 

Kết cấu và chất liệu:

Chất liệu của nồi áp suất cũng là một vấn đề quan trọng. Nhôm có trọng lượng nhẹ nhưng thép không gỉ lại có độ bền cao hơn. Nồi làm bằng thép không gỉ có phần đáy dày nên được ưa thích hơn so với những vỏ nồi làm bằng nhôm hay đồng - những chất liệu có khả năng dẫn và giữ nhiệt tốt.

Bạn phải chú ý đến tay cầm, nắp và khóa nắp nồi. Tay cầm và nắp nồi phải được gắn chắc chắn vào thân nồi. Với những loại nồi có kích cỡ từ 6 lít trở lên, cần chọn loại có hai tay cầm để nhấc nồi dễ dàng và an toàn hơn khi nồi đang nóng và đầy thức ăn.

Nên chọn loại nồi có thiết kế khóa nắp nhằm tránh việc nắp nồi bị bật mở khi bạn đang giảm áp suất của nồi. Đây là yêu cầu kỹ thuật khá phổ biến trong các loại nồi áp suất hiện đại.

Bộ phận điều chỉnh áp suất:

Bộ phận điều chỉnh áp suất có công dụng hiển thị chính xác mức áp suất của nồi trong khi đang nấu. Thông thường, bộ phận này luôn hoạt động ổn định và được phân thành các loại van sau:

Van nhảy: Van này thường được dùng cho những chiếc nồi có chế độ áp suất trung bình và cao. Van sẽ dịch chuyển đến một mức nhất định khi nồi có mức áp suất thấp và tiếp tục nhảy lên một mức mới khi đạt mức áp suất cao. Để báo hiệu sự thay đổi giữa hai mức áp suất, người ta thường thiết kế một đường kẻ hoặc đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau ở mặt đồng hồ hiển thị mức áp suất trên nồi.

Van quả tạ (hay còn gọi là van quả lắc): Bộ phận điều chỉnh áp suất này có hình dạng giống quả lắc nhỏ, được thiết kế nằm trên lỗ thoát hơi và sẽ bắt đầu đong đưa khi áp suất đạt đến mức được cài đặt sẵn trước đó. Ưu điểm của loại van này là có thể nhìn và nghe được tiếng van kêu khi áp suất đạt mức cần thiết, rất tiện lợi trong trường hợp bạn không thể liên tục trông chừng nồi đang nấu. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là dễ bị tắc nghẽn do thức ăn tràn vào qua lỗ thông hơi. Do đó, trước khi nấu, bạn cần kiểm tra và vệ sinh van thật kỹ.

Van quả tạ kiểu mới: Loại van này được gắn vào lỗ thông hơi nhưng thay vì đong đưa như bình thường, chúng sẽ phun ra hơi nước từng hồi để duy trì mức áp suất ổn định trong nồi. Lúc hơi nước bắt đầu đẩy ra ngoài là thời điểm mức áp suất đã đạt yêu cầu.

 

Với nồi áp suất điện đa năng:

Kiểu nồi áp suất truyền thống chỉ có tính năng hầm, người nấu phải canh lửa, canh nước đang được thay thế bởi nồi áp suất điện. Không chỉ làm mềm thực phẩm nhanh chóng, nồi áp suất điện đa năng còn có thể nấu cháo, nấu cơm, canh, xúp, hấp cá…

Người nội trợ chỉ cần vài thao tác đơn giản và tiết kiệm được khoảng 1/4 thời gian so với nồi thông thường. Nồi áp suất điện có chế độ ngắt tự động nên trong thời gian đó, bạn vẫn có thể làm được nhiều việc khác.

Một số nhãn hiệu có sản phẩm nồi áp suất điện phổ biến hiện nay như: Sunhouse, Bluestone, Saiko … Giá của loại nồi này dao động khoảng từ 820.000đ - 2.000.000đ/cái, tùy theo nhãn hiệu, theo dung tích 2,5 lít, 4 lít, 6 lít hay 8 lít. Chất liệu của nồi khá đa dạng: nhôm, inox, hợp kim đen… Nồi áp suất kiểu truyền thống (nấu trên bếp lửa) đa phần có giá dưới một triệu đồng/cái.

 

Cách chọn lựa và sử dụng nồi áp suất điện:

- Chọn nồi không bị móp méo, nắp nồi vừa khít, không bị cong vênh, phần tay cầm chắc chắn, chọn dung tích nồi phù hợp với số nhân khẩu trong gia đình.

- Với nồi áp suất điện, không đặt nồi quá gần nguồn lửa hay nguồn nước, nhằm tránh tình trạng chập điện hay biến dạng các khớp nối.

- Khi nấu cần vặn nắp thật kỹ và kín theo đúng chiều. Lượng thực phẩm nấu chỉ nên chiếm khoảng 2/3 nồi trở lại. Với những thực phẩm có độ nở lớn, hay trào (như nấu cháo, hầm đậu), cần canh độ trào tối đa sao cho không chạm tới nắp để tránh bị bít van xả.

- Không nên để nồi rơi vào tình trạng cạn nước, cháy sém. Nhất thiết không được chiên, xào trong nồi áp suất điện

- Đọc kỹ hướng dẫn về cách đặt chế độ thời gian phù hợp với từng loại thực phẩm. Lưu ý, thời gian làm mềm thực phẩm bao gồm cả lúc nấu và thời gian chờ áp suất trong nồi giảm dần đến khi hết. Do vậy, tốt nhất nên để áp suất trong nồi giảm tự nhiên để bảo đảm thực phẩm mềm như ý muốn, vừa tránh được khả năng xảy ra tai nạn khi đột ngột mở nồi.

- Trong trường hợp cần mở nồi để bỏ thêm thực phẩm, luôn nhớ nhấn van xả cho đến khi hết hơi hoàn toàn.

- Luôn chùi rửa sạch sẽ nồi bằng vải mềm sau khi sử dụng, đặc biệt là phần các khớp nối, van để tránh gỉ sét hay nghẹt van.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang