Cách giải tỏa áp lực cho sĩ tử trong và sau mùa thi đại học

author 10:39 04/07/2014

(VietQ.vn) - Thi Đại học là kỳ thi cấp Quốc gia quan trọng nhất hiện nay. Những vấn đề giải tỏa áp lực tâm lý, sức khỏe hậu kỳ thi Đại học cũng nên được chú ý.

Kỳ thi đại học là một trong những cột mốc quan trọng của đời học sinh. Những năm gần đây, sau mỗi kỳ thi đại học xảy ra rất nhiều vụ việc đáng tiếc do áp lực thi cử. Phòng hơn chống, các bậc cha mẹ bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho con còn cần quan tâm đến tâm lý, suy nghĩ của con cái sau kỳ thi để tránh những sự việc đáng tiếc.

Giải tỏa áp lực, lo lắng về kết quả thi Đại học

Kỳ thi Đại học một trong 2 kỳ thi quốc gia quan trọng nhất ở nước ta. Chỉ cần gia đình có một  sĩ tử thi Đại học, cả gia đình cũng vô hình chung có những áp lực nhất định.  Có thể nói học sinh hiện nay đang chịu áp lực học hành thi cử rất lớn, mà phần lớn áp lực đó có từ phía cha mẹ. Bố mẹ đặt kỳ vọng rất lớn ở con cái, luôn mong muốn con mình đạt kết quả học tập cao, nhất là trong kỳ thi đại học căng thẳng này. Mang trên vai kỳ vọng của cha mẹ thầy cô và niềm hy vọng của 12 năm đèn sách, các sĩ tử chịu rất nhiều căng thẳng, lo lắng. Ngay cả khi đã hoàn thành bài thi, thời gian đợi chờ kết quả thực sự rất dài.

giai toa ap luc thi Dai Hoc

Nếu kết quả không như ý, nhiều phụ huynh buồn bã, than phiền, mắng nhiếc, so sánh con cái với bạn bè chúng khiến cho căng thẳng mệt mỏi càng thêm căng. Sự thất vọng của cha mẹ sẽ là một áp lực lớn, có thể đẩy con cái đến tuyệt vọng và có như hành động đáng tiếc, hậu quả khôn lường. Thực tế những năm qua đã có rất nhiều những vụ tự tử cho trượt Đại học hay những trường hợp phải điều trị tâm thần do chịu sức ép quá lớn trong kỳ thi Đại học.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn! Các bậc cha mẹ không nên đè nặng áp lực "đỗ - trượt" cho sĩ tử. Điều quan trọng là các con đã cố gắng hết sức trong kỳ thi, kết quả dù thế nào thì cũng nên lạc quan, động viên tinh thần con em.

Tiếp sức dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe

Trải qua kỳ thi căng thẳng áp lực, các sỹ tử cần được tẩm bổ để lấy lại sức khỏe và tinh thần. Con cái vẫn luôn là tài sản quý báu nhất của cha mẹ. Trải qua cuộc chiến đầy cam go và căng thẳng, tâm lý lo lắng, căng thẳng khiến các em ăn không ngon miệng và hấp thụ chất dinh dưỡng giảm sút. Các bậc cha mẹ hãy chú ý hơn đến sức khỏe cho con bằng chế độ ăn uống hợp lý bổ sung thêm cho các sĩ tử các vi chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất… giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe... Trong những ngày thi, nên cho chuẩn bị các món ăn quen thuộc hàng ngày để hạn chế sự cố không đáng có về sức khỏe.

Sau kỳ thi căng thẳng, nhiều sĩ tử trong tình trạng mệt mỏi, gầy gò thiếu sức sống. Lúc này, những bữa cơm theo sở thích và đầy đủ chất dinh dưỡng từ cha mẹ sẽ là liều thuốc bổ dưỡng cả tinh thần và thể chất.

Tiep suc dinh duong mua thi Dai Hoc

Bữa cơm đầy đủ dưỡng chất tiếp thêm sức mạnh tinh thần đối với sĩ tử (minh họa)

Định hướng nghề nghiệp, kế hoạch tương lai

Kỳ thi đại học kết thúc, sẽ có những sỹ tử vui mừng đến với cổng trường Đại học, nhưng cũng có những sỹ tử ngậm ngùi với kết quả không như ý. Không ít trường hợp thí sinh và phụ huynh không giải tỏa được tình thế khó khăn, xem chuyện thi trượt như một thảm họa. Sự thất vọng của cha mẹ khi con thi trượt dễ dẫn đến xung đột, bất hòa, đổ lỗi hết cho con cái; hoặc thí sinh sau khi thi trượt không biết làm chủ bản thân, không biết kiềm chế cảm xúc, không biết đứng dậy sau thất bại, đều để lại hậu quả không tốt.

Lam gi khi truot dai hoc

Đại học là một cánh cổng lớn, nhưng không phải cánh cổng duy nhất cho tương lai. (minh họa)

Quan niệm “phải thi đậu đại học” là tư duy lỗi thời của không ít gia đình Việt Nam hiện nay, cho rằng con cái đậu đại học mới có thể kiếm được việc làm và thu nhập cao. Thực tế có không ít sinh viên bỏ học giữa chừng, hoặc khi ra trường không xin được việc làm. Ở nước ta hiện nay, chuyện thừa thầy thiếu thợ vẫn là vấn đề xã hội cần quan tâm, số người có bằng đại học ra trường ngày càng đông, trong khi đó không ít ngành nghề quan trọng cần công nhân kỹ thuật lại đang thiếu hụt trầm trọng.

Vấn đề đặt ra đối với phụ huynh là cần có cách nhìn thực tế hơn, không nên vì con trượt đại học mà tạo ra áp lực cho con. Hãy xem chuyện thi trượt đại học chỉ là một lần thử nghiệm chưa thành công, hãy cho con những niềm vui mới, bỏ qua chuyện thi trượt đại học. Luôn tôn trọng sự lựa chọn của con về tương lai, thay vì áp đặt vô cớ. Cha mẹ hãy luôn gần gũi cùng con để chia sẻ, đồng cảm, lấy lại dũng khí cho con. Cha mẹ cũng có thể vạch ra cho con những dự định phía trước còn tốt đẹp hơn, hãy từng bước để cùng con lập ra một kế hoạch cho năm tới, hoặc sẵn sàng cho một kỳ thi, hoặc định hướng cho con một nghề phù hợp nào đó mà con mình yêu thích.

Hãy tạo động lực cho con

Đôi khi một lời động viên nhẹ nhàng hoặc một lời khuyên bổ ích sẽ giúp con bạn ổn định tâm lý hơn rất nhiều. Các bậc phụ huynh nên truyền cho con những kinh nghiệm mà mình đã trải qua sau mỗi kỳ thi trước đây, hoặc kể cho con nghe về những trải nghiệm thú vị khi đi học Đại học hay những phương án khác ngoài cánh cổng Đại học... Những điều này sẽ giải tỏa bớt lo âu, căng thẳng cho con cái sau kỳ thi Đại học đầy căng thẳng này.

Thu Hoài


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang