Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam

author 06:35 03/08/2017

(VietQ.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực thanh toán đặc biệt là thanh toán điện tử tại Việt Nam

Hiện nay, đối với lĩnh vực thanh toán có thể thấy rõ ràng nhất những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực thanh toán đặc biệt là thanh toán điện tử.  Ảnh: VOV 

Đối với hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh AI và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ, đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời đối với xu thế công nghệ mới. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things) sẽ giúp các ngân hàng thương mại trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

CMCN 4.0 cũng tạo ra một số thách thức đối với với lĩnh vực thanh toán như là trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông.

Thách thức đối với các tổ chức tín dụng là việc mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh AI, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử; hay thách thức trong việc phải nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thời đại CMCN 4.0.

Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức chung cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam và nói riêng cho lĩnh vực thanh toán trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán và vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng chỉ vì mở cửa xe ô tô bất cẩn(VietQ.vn) - Việc mở cửa xe ô tô tưởng chừng là một thao tác đơn giản nhưng nếu bất cẩn sẽ gây ra những tai nạn giao thông hết sức thương tâm.

Thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, số lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, chú trọng. NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 10/01/2017 về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và thanh toán trực tuyến.

Vừa qua, Thống đốc NHNN cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech, trong đó Vụ Thanh toán NHNN được giao làm Cơ quan thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ: Trình Thống đốc NHNN phê duyệt chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; tham mưu đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ; trình Thống đốc quyết định những nội dung quan trọng liên quan đến Fintech như chiến lược/kế hoạch phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Minh Châu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang