Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức cho ngành dệt may

author 14:09 10/07/2019

(VietQ.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 với các ứng dụng tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… tạo ra cơ hội và thách thức cho ngành dệt may VN.

Đây là nhận định của ông Trương Văn Cẩm- Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại hội thảo “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may”. Sự kiện do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức.

 Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may” diễn ra tại Hà Nội. 

Theo ông Trương Văn Cẩm, để tận dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức, doanh nghiệp cần chủ động trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiếp cận công nghệ mới. Và Hội thảo này giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật mới tiên tiến trong sản xuất dệt may của Hàn Quốc và các nước châu Á. Đây là chương trình đào tạo thường niên mà KITECH và VITAS phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam- ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật dệt Hàn Quốc, Tập đoàn Li&Fung, Tập đoàn CLO Visual… đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số kỹ thuật số, đổi mới 3D, xu hướng thời trang toàn cầu…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Cụ thể, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…

Ông Eu Joong Kim- Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam phân tích: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA giúp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Điều này không chỉ mang lại thuận lợi cho dệt may Việt Nam mà còn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc- Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, CMCN 4.0 đang đặt ra không ít thách thức cho ngành dệt may đó là người máy (robot), AI... sẽ thay thế sức lao động của con người, các công đoạn gia công, lắp ráp dần sẽ được thay thế hoàn toàn bởi người máy với chi phí thấp hơn.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang