Cách nhận biết thực phẩm hỏng, đề phòng ngộ độc vào ngày hè

author 12:29 25/04/2021

(VietQ.vn) - Thời tiết nắng nóng, nồm ẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực phẩm hỏng, lên mùi, có mùi vào ngày hè, dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, vậy làm thế nào để bảo quản đúng cách.

Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, trong đó có nguyên nhân quá trình bảo quản, cất giữ thực phẩm. Nếu không đảm bảo quy trình vệ sinh, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm sẽ bị vi sinh vật, các men phân giải, làm cho thức ăn bị biến chất, chứa các chất gây độc.

Nhất là mùa nóng như hiện nay, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, oxy trong không khí, các vết kim loại… cũng làm cho thực phẩm bị hư hỏng, biến chất, làm thay đổi mùi vị, mầu sắc, cấu trúc, có thể chứa các chất trung gian chuyển hoá gây độc.

Thời tiết nắng nóng, nồm ẩm rất dễ khiến thực phẩm bị hỏng, lên men 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các thực phẩm dễ biến chất và gây ngộ độc là thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, sữa, thịt luộc, thịt xào, thịt băm, nấu đông, chả, batê, xúc xích, bánh nhân sữa, thịt, sữa chua… bánh gatô. 

Thực phẩm có nguồn gốc từ cá: Chả cá, cá luộc, cá khô, cá ướp, cá hộp. Các thực phẩm từ mỡ, dầu: Để xào, rán, quay. Các thực phẩm từ ngũ cốc (gạo, sắn, lạc, đỗ), cơm, xôi, nhân bánh, lạc rang, kẹo lạc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm thì việc nhận biết cũng không quá khó. Đầu tiên là quan sát sẽ nhận thấy thay đổi màu; mùi, vị không bình thường; hộp bị phồng. Khi ngửi cũng không có mùi vị nguyên bản của thức ăn, có thể là hơi chua hoặc không thơm (cảm giác mùi vị thức ăn khó chịu, không còn thơm ngon, hấp dẫn).

Về biểu hiện ngộ độc thực phẩm do thức ăn biến chất gây ra, ngộ độc xuất hiện sớm từ 1- 3 giờ sau khi ăn, chủ yếu là triệu chứng tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, đau bụng vùng thượng vị từng cơn co thắt rồi đi ngoài nhiều lần, lúc đầu có phân, sau phân ít nước nhiều. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện là: Ngứa, mề đay, đau đầu, mệt mỏi. Các triệu chứng trên có thể đỡ dần sau khi nôn và đi ngoài nhiều lần, nhưng cũng có thể nặng lên gây ra suy sụp cơ thể do mất nước, mất điện giải, toan chuyển hóa và rối loạn thân nhiệt (lạnh hạ nhiệt hay sốt cao, co giật).

Cách bảo quản đồ ăn đúng cách: 

- Bảo quản thực phẩm đúng theo từng loại:

+ Với các loại rau xanh: Sau khi mua về rửa sạch, nhặt bỏ bớt lá sâu, úng, để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh. Nếu chưa ăn ngay không nên rửa hoặc ngâm nước vì nước làm rau mau úng và chất bẩn có thể ngấm vào rau khiến rau mau hỏng hơn.

+ Với bông cải, bắp cải: Nếu không để trong tủ lạnh, có thể dùng giấy báo bọc kín, để nơi thoáng mát.

+ Với các loại rau củ: Để nơi mát mẻ có thể bảo quản từ 2 - 3 ngày tùy loại, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản được từ 5 - 7 ngày.

+ Với trái cây: Mua về rửa sạch để chỗ mát. Với dưa hấu, dưa gang, nên mua trái nhỏ, vừa ăn để sau khi cắt ra là ăn hết. Nếu ăn không hết, nhớ dùng một miếng ni-lon đậy lên mặt dưa để giữ cho dưa không bị khô và làm giảm hương vị.

+ Với các loại thực phẩm tươi sống như cá, thịt... có thể dùng phương pháp ướp muối để bảo quản bằng cách gói thực phẩm trong khăn sạch đã nhúng qua dung dịch giấm (có thể để dành 1 ngày) hay ngâm trong nước mắm (có thể để dành được cả tuần).

Cá mua về rửa sạch, để thật ráo nước, cạo rửa sạch bằng dao, bỏ mang, ruột trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Sau khi sơ chế, chia thịt, cá ra thành các phần vừa ăn để tiện cho việc bảo quản và rã đông sử dụng. Nếu cần, sau khi rửa sạch, tẩm ướp và cho vào ngăn tủ lạnh.

Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc... chỉ nên chọn loại còn sống, được chế biến ngay sau khi mua về từ 3 - 5 giờ đồng hồ và dùng trong ngày.

- Khi mua thực phẩm đông lạnh, xem kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản của sản phẩm để lưu trữ hợp lí: Thực phẩm trữ mát: thịt nguội, giò chả... trữ đông từ 0 - 5 độ C. Thực phẩm đông lạnh: chả giò, thủy hải sản... trữ đông từ -25 độ đến -18 độ C.

Trong mỗi bữa ăn, trong trường hợp không ăn hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín. Trước khi sử dụng lại, thức ăn cần được đun sôi, kiểm tra mùi vị.

- Nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng. Tốt nhất không để thức ăn đã chế biến còn dư thừa qua 2 ngày trong tủ lạnh.

Với các loại thức ăn đã nấu chín, nếu dùng không hết mà muốn để lại thì cách bảo quản tốt nhất là nấu sôi trở lại. Sau đó mở nắp, làm nguội nhanh và cho vào hộp cất vào tủ đông. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên nấu sôi lại lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn đã thâm nhập và tồn tại trong thức ăn và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai.

Bảo An (t/h)

Thu hồi khẩn cấp nước rửa tay Durisan do nhiễm khuẩn, ảnh hưởng sức khỏe(VietQ.vn) - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết công ty Sanit Technologies LLC đang mở rộng thu hồi nước rửa tay Durisan do nguy cơ nhiễm khuẩn Burkholderia.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang