Cách nuôi ong hốc đá nâng cao chất lượng mật ong

author 18:31 29/03/2015

(VietQ.vn) - Người dân bản Ngàn Chuồng đã tận dụng cách sống tự nhiên của ong để hình thành nên nghề nuôi ong hốc đá cho mật ong chất lượng cao không kém gì mật ong rừng tự nhiên.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bản Ngàn Chuồng thuộc xã Lục Hồn, nằm giáp các xã Tình Húc, Đồng Tâm đều là các xã có nhiều rừng của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Các khu rừng này hàng năm cho ra nhiều hoa, thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật ở Lục Hồn. Địa hình ở Ngàn Chuồng, xen kẽ bên các đồi cây là các hốc đá, nơi ong thường đến làm tổ. Người dân cũng tận dụng luôn cách sống tự nhiên của loài ong mà hình thành nên nghề nuôi ong hốc đá, chất lượng mật không kém ong rừng tự nhiên.

Tuy nuôi ong trong hốc đá, nhưng người nuôi ong vẫn phải dùng gỗ duội khô để làm tổ cho ong, từ đó tạo điều kiện cho việc lấy mật theo chu kỳ và chăm sóc đàn ong. Cây duội là một loại gỗ có họ với cây vối, nhưng dai chắc, không bị nứt vỡ, nhựa cây không độc, làm tổ ong rất tốt. Bà con dân tộc thiểu số còn dùng loại gỗ này làm cối giã gạo.

Cách nuôi ong này cho chất lượng mật ong cao, ngon không kém mật ong rừng

Cách nuôi ong này cho chất lượng mật ong cao, ngon không kém mật ong rừng. Ảnh Dân Việt

Điều trọng yếu trong phương pháp này là tìm được tổ ong trên rừng mang về cho vào hốc. Vào các thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là mùa ong sinh sản, người bắt ong ở Lục Hồn thường lần theo những thảm lá mục tìm đến những thân cây khô rỗng, hay các hốc đá nằm ven các khu đồi trong rừng xa nhà để bắt ong về nuôi. Người tinh tường, quan sát trong đàn từ mấy trăm con ong thợ để tìm ra ong chúa bắt về, cầm theo cả bọng là cả đàn ong thợ tự theo về.

Khi phát hiện thấy tổ ong trong hốc cây, hốc đá dùng rìu búa mở rộng cửa tổ. Dùng khói phun nhẹ vào tổ để ong dạt vào một góc, cắt lấy bánh tổ, bốc ong vào mũ lưới hoặc áo, khăn. Nếu tổ nằm ở vị trí sâu trong hốc cây to hoặc vách đá không bắt được, dùng đất ướt trát bịt kín cửa tổ và các khe hở lại. Sau 2-3 ngày đến mở lỗ tổ, ong sẽ tuôn ra, dùng nón bắt ong bay hứng lấy. Cũng có thể thổi băng phiến vào rồi nút chặt cửa tổ 10-15 phút, khi mở cửa tổ ong sẽ tuôn ra và bắt vào nón. Hoặc bịt kín các khe hở nơi ong ra vào, lấy một ống nứa nhỏ cắm vào lỗ tổ ong, trát đất xung quanh. Ong ra được nhưng không vào được và đậu ở ngoài khu vực cửa tổ, lúc này sẽ bắt được ong.

Theo những người nuôi ong, 1 tổ ong có thể khai thác được 3 lần/năm, từ 3-6 lít mật ong/lần, giá khoảng 250.000 đồng/lít. Ong tự đi kiếm hoa làm mật, người nuôi ong vẫn có thể làm ruộng, trồng rừng phát triển kinh tế.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang