Bí quyết đơn giản phân biệt tôm bơm tạp chất và tôm sạch

author 14:11 27/07/2015

(VietQ.vn) - Để tăng trọng lượng cũng như khiến tôm chết có 'mã' đẹp, nhiều thương lái đã bơm các loại tạp chất vào mình tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sự kiện: Mẹo vặt gia đình

Việc tôm nhiễm kháng sinh cấm, bị bơm tạp chất… không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, tôm khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Nếu ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt tôm bơm tạp chất và tôm sạch trong quá trình chọn mua.

Tôm bơm tạp chất

Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, mang tôm cứng, thẳng đơ, phồng căng trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống, mang mềm, phẳng. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm thường có bị phù đầu, gai vểnh. Phần đầu và thân của tôm bị tiêm rất dễ bị tách rời nhau.

Cách phân biệt tôm bơm và tôm sạch dựa vào màu sắc và hình dáng bên ngoài

Cách phân biệt tôm bơm và tôm sạch dựa vào màu sắc và hình dáng bên ngoài

Ngoài ra, tôm bơm khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Tôm sạch

Theo nhiều thương lái, muốn chọn tôm sạch thì chỉ có 2 cách là chọn tôm còn tươi sống và chọn tôm nhỏ. Thường chỉ tôm đông lạnh mới bị bơm hóa chất, còn tôm sống không thể bơm được vì tôm sẽ chết ngay. Với loại tôm sống, nên chọn những con còn nhảy và còn đủ chân lẫn càng. Đây là cách an toàn nhất nếu người tiêu dùng muốn sử dụng tôm tươi ngon. Mặt khác, người tiêu dùng có thể chọn các loại tôm nhỏ hơn.

Các bí quyết đơn giản trong cách phân biệt tôm bơm và tôm sạch

Các bí quyết đơn giản trong cách phân biệt tôm bơm và tôm sạch 

Còn với các loại tôm đông lạnh, người tiêu dùng nên để ý các chi tiết như đầu, thân và đuôi tôm. Cầm con tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu.

Với tôm sú không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Loan Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang