Cách phòng tránh bị chiếm đoạt thẻ tín dụng

author 07:44 05/02/2014

Hàng loạt thông tin về tình trạng đánh cắp tiền thẻ tín dụng, bắt giữ các băng nhóm, đường dây sử dụng thẻ tín dụng giả… đang làm dấy lên mối lo ngại cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là hình thức thanh toán ngày càng phổ biến. Việc mua hang hóa, thanh toán dịch vụ thông qua thẻ thanh toán, thẻ thấu chi, thẻ tín dụng... đã không còn xa lạ hiện nay.

Tuy vậy, đi kèm với đó là tình trạng đánh cắp tiền, trục lợi lợi thông qua thẻ tín dụng cũng theo đó ngày càng có xu hướng tăng lên.

Cách thức chiếm đoạt thẻ qua công bố cho thấy, phần lớn những kẻ trục lợi đánh cắp thông tin của chủ thẻ, rồi sử dụng thông tin đó để giao dịch mua hàng trực tuyến (qua mạng Internet).Từ đó đổi hàng ra tiền thật để chiếm đoạt.

Việc đánh cắp thông tin cũngđược thực hiện với rất nhiều các hình thức, cách thức - Kể cả hình thức làm giả thẻ tín dụng, cho đến việc sử dụng công nghệ cao như cài đặt phần mềm gián điệp để theo dõi đánh cắp thông tin thông qua các giao dịch trực tuyến của chủ thẻ với bên trang web bán hàng, cài phần mềm virus để đánh cắp thông tin trên máy tính của người sử dụng…

Thanh toán bằng thẻ ATM cũng ẩn chứa nhiều rủi ro

Thanh toán bằng thẻ ATM cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Trong lần tình cờ gặp gỡ tại cuộc hội thảo "Ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng và cơ hội cho doanh nghiệp", do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013, tác giả bài viết đã được anhTrần Viết Trung - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của NHTMCP Tiên Phong (TienphongBank) chi nhánh Sài Gòn trao đổi và "mách nước" về một số kinh nghiệm quý để phòng tránh việc bị mất cắp tiền trong thẻ tín dụng.

Anh Trần Viết Trung cho biết, việc đánh cắp tiền trong thẻ tín dụng hiện nay diễn ra khá nhiều và với cách thức cũng đa dạng, trong đó có một cách thức khá phổ biến và đơn giản, nhưng phần lớn chủ thẻ lại ít để ý phòng ngừa.

Anh Trần Viết Trung cho biết, tiền trong thẻ tín dụng rất dễ bị đánh cắp - cho dù kẻ đánh cắp không cần phải lấy cắp cả chiếc thẻ, mà chỉ cần lấy thông tin bên ngoài của chiếc thẻ mà thôi.

Một trong những trường hợp sơ đẳng nhất mà chủ thẻ vô tình để mất cắp thông tin, đó là đưa thẻ tín dụng của mình cho người khác cầm thanh toán. Đây là trường hợp diễn ra phổ biến ở các quán nhậu, nhà hàng hiện nay.

Bởi thông thường, khi thanh toán tiền ở các nhà hàng, quán nhậu bằng thẻ tín dụng, "chủ xị" thanh toán sau khi nhận hóa đơn thường đưa thẻ tín dụng của mình cho nhân viên phục vụ đi thanh toán.

Theo lẽ thường, nhân viên thanh toán đưa thẻ đến quầy để quẹt thẻ thanh toán cho khách, xong sẽ cầm đưa trả lại cho khách. Chính đây là "kẽ hở chết người" tạo điều kiện cho kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ tín dụng.

Anh Trần Viết Trung cho biết, một cái thẻ tín dụng sẽ có đầy đủ các thông tin hiển thị về số thẻ, tên chủ thẻ ở mặt trước và mã số của thẻ (được ghi trên dải "chữ ký của chủ thẻ" ở mặt sau của thẻ).

Theo đó, nếu vô tình khi chủ thẻ đưa thẻ của mình cho kẻ gian thì chỉ cần hai cái nháy bấm máy điện thoại, kẻ gian đã lấy được thông tin ở các mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng của chủ thẻ, sau đó vẫn trả lại thẻ nguyên xi cho chủ thẻ.

Mối họa cho chủ thẻ bắt đầu từ hành vi vô tình đó. Cụ thể, kẻ gian sau khi chụp lại được thông tin về thẻ, có thể sẽ sử dụng nhập các thông tin trên thẻ đó để tiến hành mua hàng trực tuyến. Bởi các trang bán hàng trực tuyến (hay các dịch vụ trực tuyến) yêu cầu người mua hàng (hay sử dụng trả phí dịch vụ) cần phải khai báo tên chủ thẻ, số hiệu thẻ và mã số thẻ tín dụng… là đã có thể đủ thông tin để thực hiện thanh toán.

Hiện nay phổ biến loại thẻ tín dụng, thẻ thấu chi có hạn mức thanh toán lên tới 80 triệu đồng, 100 triệu đồng, mà chủ thẻ được quyền tiêu tiền trước rồi trả sau (hạn thời gian không phải trả lãi lên tới 45 ngày), vì vậy kẻ gian có thể lợi dụng hình thức thẻ tín dụng "tiêu trước trả sau" để đánh cắp tiền của chủ thẻ, theo cách dùng thông tin trên thẻ để mua hàng trực tuyến, sau đó quy đổi hàng hóa ra bằng tiền mặt để trục lợi.

Hình thức trên hiện đang rất phổ biến và mới đây vụ việc do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH (C45, Bộ Công an) và các cơ quan liên quan đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của 9 đối tượng tại TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nội… với việc đánh cắp số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng là những vụ việc đánh cắp tiền trên thẻ tín dụng bị phát hiện gần nhất và cũng khá điển hình cho hình thức phạm tội này.

Để đề phòng bị mất cắp tiền trong thẻ tín dụng của mình, anh Trần Viết Trung khuyến nghị người sử dụng thẻ tín dụng phải cần nêu cao cảnh giác để trước hết là không bị vô tình đánh mất thông tin trên thẻ tín dụng của mình cho kẻ gian.

Một kinh nghiệm được anh Trung đưa ra, đó là hãy lưu các mã số thẻ của mình vào nơi bí mật, sử dụng băng dán để dán kín mã số thẻ in ở mặt sau thẻ tín dụng. Thậm chí có thể dán kín cả số hiệu thẻ tín dụng ở mặt trước (thường được in nổi các chữ số). Điều này sẽ phòng ngừa tình trạng vô tình bị người cầm hộ thẻ của mình chụp hình lưu lại thông tin khi thanh toán.

Đồng thời, chủ thẻ nhất thiết phải đăng ký hình thức thông báo tình hình tài khoản thẻ của mình qua dịch vụ tin nhắn. Tức là khi tài khoản thẻ có thay đổi, chủ thẻ sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay lập tức về sự thay đổi đó.

Anh Trung cũng khuyến nghị rằng: Với thẻ tín dụng thì hãy thực hiện phương châm "vật bất ly thân", không đưa thẻ của mình cho người khác thanh toán hộ, mà hãy tự tay đưa trực tiếp cho người thanh toán (quẹt thẻ) và giám sát trực tiếp cho đến khi giao dịch xong. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác khi giao dịch thẻ ở những máy tính - kể cả cá nhân hay công cộng - với việc phải áp dụng các hình thức an ninh bảo mật và một hình thức phòng vệ đơn giản nhất là cần thiết phải áp dụng biện pháp bảo mật thủ công về bảo vệ thông tin trên thẻ như đã nêu trên.

Theo TBTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang