Cách sử dụng tỏi đơn giản nhưng hiệu quả chữa bệnh không ngờ

author 10:57 15/08/2015

(VietQ.vn) - Ăn nhiều tỏi và các loại rau củ thuộc họ allium như hành, hẹ, tỏi tây giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng.

Sự kiện: Chữa bệnh từ thiên nhiên

Theo tin tức từ báo VnExpress, một số công dụng chính của tỏi đối với sức khoẻ con người:

Tác dụng đối với hệ tim mạch: Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim...

Cần thận trọng khi dùng đồng thời tỏi với các thuốc chống đông máu và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, cũng nên tránh dùng các chế phẩm từ tỏi khoảng một tuần trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu kéo dài trong và sau phẫu thuật.

Tác dụng chống ung thư: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ăn nhiều tỏi và các loại rau củ thuộc họ allium như hành, hẹ, tỏi tây giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng.

Tác dụng kháng khuẩn: Tỏi có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc, tỏi thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá, hô hấp và ngoài da.

 Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu

 Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu. Ảnh minh họa

Viên tỏi khô cũng được chứng minh có khả năng điều trị và dự phòng một số bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa. Đắp tỏi tươi tại chỗ có tác dụng khá tốt trong điều trị mụn cơm do virus. Gần đây, tỏi được phát hiện có khả năng diệt Helicobacter pylori, loại xoắn khuẩn có vai trò quan trọng gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Sử dụng 1-2 nhánh tỏi tươi mỗi ngày ở người lớn sẽ không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể ngoại trừ việc tạo ra mùi khó chịu của hơi thở và mồ hôi. Ăn một số lượng lớn tỏi tươi, nhất là vào lúc đói có thể gây cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Đắp tỏi tươi có thể gây cảm giác rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước tại chỗ. Ngoài ra, việc dùng viên tỏi khô kéo dài có thể gây giảm đường huyết trong một số trường hợp.

Một vài cách sử dụng tỏi thông thường

Phòng và trị cúm: Giã nát 3 tép tỏi, hãm trong 50g nước sôi khoảng nửa giờ. Chắt lấy nước, nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng 2 hay 3 giọt, ngày 2 hoặc 3 lần.

Rửa vết thương, chỗ lở loét: Pha loãng 1 phần dịch tỏi và 10 phần nước cất, thêm 2% cồn để bảo quản, theo thông tin từ VOV. 

Chữa đau răng: Giã nát 2 tép tỏi trộn với một chút nước ấm. Đợi khoảng 10 phút sau, dùng một que tăm tẩm dịch tỏi thấm đều chung quanh chỗ đau.

Chữa mụn cóc, chai chân: Giã nát 2 tép tỏi, dán gọn vào chỗ bị chai và để qua đêm.

Chữa viêm họng: Giã nát 2 tép tỏi, trộn 1 phần tỏi và 3 phần hành lá, buộc vào huyệt Hợp cốc ở bàn tay. Để qua đêm, dịch tỏi sẽ thấm qua da và kích thích mạnh vào huyệt có tác dụng “tả”để chữa viêm họng. Hành lá có tác dụng làm giảm độ nóng để tránh phồng da. (Úp bàn tay xuống, xoè rộng 2 ngón tay trỏ và ngón tay cái, huyệt hợp cốc nằm trên mặt lưng của bàn tay, ở chỗ lõm giữa 2 xương ngón tay cái và ngón tay trỏ.)

Thái Hà (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang