Mỡ trăn, dầu cá không có tác dụng trị bỏng

author 15:49 07/04/2015

(VietQ.vn) - Từ lâu, mỡ trăn, dầu cá vốn được xem cách trị bỏng dân gian hiệu quả, tuy nhiên theo y học hiện đại mỡ trăn hay dầu cá không có tác dụng này và thậm chí có thể làm vết bỏng nặng hơn.

Mỡ trăn và dầu cá cũng được kinh nghiệm dân gian truyền lại là cách trị bỏng hữu hiệu, nhưng thực tế cho thấy chúng không những không làm cho vết bỏng lành hơn mà còn làm cho tình hình xấu đi nếu không được sử dụng đúng cách.

Tác dụng của mỡ trăn hay dầu cá trong việc trị bỏng

Nhiều người vẫn có thói quen dùng mỡ trăn bôi ngay vào vết thương do bỏng gây ra. Theo giải thích của những gia đình này, mỡ trăn rất mát, lành da nên khi bị bỏng bất kể là do nguyên nhân nào, cũng là cứu cánh hiệu quả ngay tức thời, giúp bệnh nhân nhanh dịu da. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ - nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc bôi mỡ trăn ngay khi phát hiện bỏng sẽ có tác dụng tốt, theo Zing News.

Sơ cứu vết bỏng bằng nước mát không sử dụng mỡ trăn

Sơ cứu vết bỏng bằng nước mát không sử dụng mỡ trăn

Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng sẽ bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Một số người còn dùng dầu cá, tuy nhiên dầu cá có mùi tanh, nên khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến. Thực ra Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô nên mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng, nhưng chỉ nên dùng sau khi đã sơ cứu vết thương, theo báo Giáo dục Việt Nam.

Cách sơ cứu khi bị bỏng

Khi không may bị bỏng lửa, nước sôi, cho dù là bỏng nhẹ hay bỏng nặng, cần nhanh chóng cách ly khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau: Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho.

Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề. Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch. Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời, theo báo Sức khỏe đời sống.

Trang Thùy (T/h)

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang