Cải cách thể chế, ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

author 10:59 21/10/2019

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, cải cách về thể chế phải được thực hiện một cách triệt để với những chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên xây dựng hạ tầng số, thúc đẩy các trung tâm tăng trưởng và đô thị thông minh.

Công nghệ trở là nền tảng, thể chế giữ vai trò quyết định

Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác biệt hẳn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước bằng thành tựu mới về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số trở thành cốt lõi lấn át kinh tế vật thể.

Kinh tế số được cấu trúc từ những năng lực mới với nguồn lực - tài sản chủ yếu là trí tuệ, công nghệ cao, thông tin thay thế cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Cơ chế vận hành của kinh tế số là liên kết hệ thống bằng chuỗi, mạng, kết nối vạn vật, không giới hạn về không gian địa lý.

Đó cũng chính là lợi thế so sánh tuyệt đối của kinh tế số so với kinh tế vật thể. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng thì những chuyển động của kinh tế số toàn cầu càng tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không còn con đường nào khác là nhanh chóng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hay số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị.

Theo ông Trần Đình Thiên, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến căn bản nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn đọng về cấu trúc, năng lực thể chế. Cụ thể, Việt Nam còn thiếu nhiều nguồn lực con người, tài chính, hạ tầng cho chuyển đổi. Về thể chế, quyền tài sản trí tuệ, cơ chế phân bổ nguồn lực, tính minh bạch còn hạn chế.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế khi đi sau các nước phát triển, dễ dàng tiếp nhận các thành tựu mà các nước mất nhiều thời gian nghiên cứu, triển khai, con người Việt Nam ham học hỏi và tiếp thu nhanh, đặc biệt Việt Nam có tốc độ hội nhập quốc tế nhanh và sâu rộng.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần xây dựng được thể chế công khai minh bạch, chính quyền hiệu quả, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… Nhà nước nên coi chiến lược phát triển khoa học công nghệ là trục của chiến lược phát triển quốc gia, tăng cường liên kết khu vực trong nước và FDI, thúc đẩy phát triển một số ngành chọn lọc phù hợp với xu hướng.

“Cải cách về thể chế phải được thực hiện một cách triệt để với những chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên xây dựng hạ tầng số, thúc đẩy các trung tâm tăng trưởng và đô thị thông minh. Bởi, công nghệ có thể trở thành nền tảng chung nhưng thể chế là đặc thù của mỗi quốc gia, quyết định nền kinh tế đó có tiếp cận, vận dụng nền tảng công nghệ để phát triển hay không.”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

 Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cải cách thể chế. Ảnh: Dân trí 

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội

Cùng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, cùng với quá trình hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng rõ nét đến kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Nhiều cơ hội được mở ra nhưng cơ hội đó không tự nhiên biến thành lợi ích, chỉ số tăng trưởng. Ngược lại, nếu không biết cách khai thác, cơ hội có thể chuyển thành thách thức bởi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Theo ông Trương Đình Tuyển, với một nền kinh tế có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam thì những xu hướng mới, làn sóng mới rất dễ gây “tổn thương” nếu không chủ động đón nhận.

Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi số là một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả, nhưng để làm được điều đó Nhà nước cần tạo ra khung khổ cho doanh nghiệp tự do lựa chọn bằng việc cải cách thể chế. Thể chế tốt phải đảm bảo tính công khai minh bạch và môi trường chính sách ổn định, có tính cạnh tranh cao để doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Trước đó, không ít các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam không chỉ đối mặt với thách thức về tài chính, xây dựng nhà xưởng… mà còn vướng thủ tục hành chính, phương thức quản trị kinh doanh… Đặc biệt, thị trường thương mại tự do và làn sóng công nghệ 4.0 đã và đang đặt bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp SMEs.

Tại Việt Nam có 86% doanh nghiệp SMEs (theo mẫu khảo sát của Microsoft toàn cầu) tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, cao hơn tỷ lệ này ở rất nhiều nước tại châu Á như Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản…

Ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp SMEs sẽ thực sự tăng tốc nếu tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển. Song song đó, doanh nghiệp SMEs nên từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa dữ hiệu… phục vụ cho phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp SMEs Việt Nam phát triển bền vững, một số chuyên gia nhấn mạnh,  những chính sách và pháp luật có liên quan tới doanh nghiệp SMEs cần thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn. Đồng thời, các chính sách phải thật thiết thực, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp…

Thêm vào đó việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp rất cần thiết, giúp doanh nghiệp xóa bỏ chi phí không chính thức mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu...

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp nữa và thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. Cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm

"Từ trước đến nay nếu vẫn giữ tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm thì làm gì còn đổi mới sáng tạo và nói đến cùng không thể có CMCN 4.0, coi như ta đứng lại trong khi CMCN 4.0 sẽ đến sau và bị bỏ rơi ở phía sau. Do đó, phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá rằng cuộc CMCN 4.0 về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bảo Lâm

TS. Phan Đức Hiếu: CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp(VietQ.vn) - CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp nhưng nó có thể tự nhiên đào thải doanh nghiệp. Bởi vậy việc nhận thức, thực thi, ứng dụng 4.0 vào trong doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang