Cái "chết yểu" của những thương hiệu Việt

author 14:27 15/05/2014

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia đang lấy làm lo ngại vì làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt trong vài năm qua.

Mất gần hết vốn, Habubank bị xóa sổ

Sự biến mất của những thương hiệu Việt

 Ra đời năm 1989, Habubank từng là ngân hàng tên tuổi với gần 100 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Có bề dày lịch sử hơn 20 năm nhưng Habubank đã phải sáp nhập vào SHB với giá 2,1 tỉ đồng (9/8/2012) và phải từ bỏ vĩnh viễn thương hiệu của mình.Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán Ernst&Young, Habubank chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng, vốn chủ chỉ còn hơn 195 tỉ đồng và tỷ lệ nợ xấu 16,06%. Cái chết của Habubank được nhận định bằng cụm từ “do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn” trong các lĩnh vực đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản. Chỉ 50 khách hàng lớn (Vinashin, Bianfishco,…) đã chiếm tới 65% tổng nợ của Habubank.

Thép Pomihoa bị Vina Kyoei khai tử

Thành lập năm 2000, Pomihoa là thương hiệu thép tên tuổi đã đạt nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, từ năm 2011 – 2012, thị trường bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép giảm mạnh khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, mặc dù nhà máy có công suất lên tới 400.000 tấn/năm nhưng thời kỳ cao điểm nhất Pomihoa cũng chỉ sản xuất khoảng 150.000tấn/ năm. Hàng tồn kho lớn, cạnh tranh kém khiến Pomihoa đuối sức và bị tập đoàn thép Kyobei (Nhật) mua lại và sáp nhập vào Vina Kyoei, dẫn tới việc thương hiệu nổi tiếng suốt 12 năm nhanh chóng bị xóa sổ.

EVN Telecom về tay Viettel

Thành lập năm 1995 với chức năng quản lý vận hành, khai thác mạng thông tin viễn thông điện lực, EVN Telecom được EVN đầu tư 100% vốn nhà nước với số tiền lên đến 2.442 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2010). Với lợi thế hạ tầng sẵn có, ban đầu, EVN đã khiến nhiều đại gia viễn thông phải ganh tị và e ngại.Bắt đầu từ năm 2009, tình hình hoạt động của EVN Telecom sa sút nghiêm trọng. Doanh thu của công ty giảm 19% so với năm 2008, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng và đến năm 2010, EVN Telecom đã chuyển từ lãi sang lỗ hoàn toàn. Cuối cùng, vào ngày 05/12/2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. 

Ông lớn đậu phộng Tân Tân: Chết vì bất động sản

Sự biến mất của những thương hiệu Việt

Là một thương hiệu dẫn đầu, sản phẩm Tân Tân từng có mặt khắp mọi nơi và xuất khẩu thành công sang hơn 20 thị trường nước ngoài. Theo ước tính của chuyên gia, số điểm bán lẻ của Tân Tân trên cả nước vào lúc cao điểm là trên 150.000, tức là ngang với các thương hiệu như Unilever, Thuốc lá 555,… Từ cuối năm 2007, Tân Tân bắt đầu đầu tư rầm rộ vào các dự án bất động sản và dính phải tin đồn phá sản do không trả được nợ ngân hàng vào năm 2012. Mặc dù không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào nhưng sản phẩm đậu phộng Tân Tân đã dần vắng bóng trên thị trường.

Tạm kết

Còn có thể kể đến một loạt các thương hiệu Việt lừng lẫy một thời bị “bóp chết” bởi kịch bản thâu tóm của các DN nước ngoài như Tribeco, Phở 24 hay buộc phải chuyển giao công nghệ và thương hiệu cho các tập đoàn đa quốc gia như P/S, Diana, Dạ Lan. Có thể nói, trận chiến cạnh tranh ngày một gay gắt đang buộc các “chiến binh” Việt phải thay đổi và thích nghi nếu không muốn bị xóa sổ trên thị trường.

Minh Thùy (th)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang