Cái tâm lớn trên vùng đất nhỏ của một người Thanh Hóa

author 18:11 25/04/2017

(VietQ.vn) - Anh là Mai Song Hào, người có một "cái tâm lớn trên vùng đất nhỏ". Lần đầu tôi gặp anh không phải là mặt đối mặt, mà là nghe câu chuyện của anh từ nhiều người khác.

Anh là Mai Song Hào, sinh ra và lớn lên tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Lần đầu tôi gặp anh không phải là mặt đối mặt, mà là nghe câu chuyện của anh từ nhiều người khác.

cai-tam-lon-tren-vung-dat-nho-cua-mot-nguoi-thanh-hoa

Đối với thầy giáo Mai Song Hào, dạy học chính là hạnh phúc đơn thuần mà đáng giá

Bà con phường Đông Thọ nhắc đến Mai Song Hào như một trường hợp thực lạ kỳ. Từng đạt giải thưởng THPT về Toán học, giải khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm toán học trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa.. anh Hào sau khi ra trường lại không chọn cho mình một môi trường chuyên nghiệp như bao người mà quyết định ở lại Thanh Hóa mở lớp dạy học tại nhà giảng dạy cho học sinh yếu kém, bỏ ngoài tai sự khuyên can, cấm cản từ gia đình.

"Ba mẹ muốn mình đi miền Nam hay đi ra các tỉnh khác làm việc, sau khuyên không được thì cũng để tự mình quyết định tương lai. Bởi mình thích môi trường làm việc năng động, dể dàng phát triển bản thân theo hướng riêng..", anh Hào nói.

Trước khi trở thành thầy giáo, anh Hào từng nuôi ước mơ được làm việc trong quân ngũ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đại học với số điểm khá cao 22,5 nhưng vẫn không trúng tuyển trường nguyện vọng nên đã đi lính nghĩa vụ 2 năm. Không ngờ, đây chính là bước ngoặt đưa cuộc đời chàng thanh niên Mai Song Hào năm ấy bước sang một trang mới. Thời gian tiếp xúc với trẻ em vùng cao, những hoàn cảnh khó khăn không được đến trường dù luôn khát khao cái chữ đã thôi thúc anh Hào đã quyết tâm trở thành nhà giáo. Nghĩ là làm, anh học tập ngày đêm, ôn thi ngay khi còn trong quân ngũ.

Năm 2007, sau khi kết thúc thời gian đi lính nghĩa vụ, Mai Song Hào trở về quê hương đăng ký thi và trúng tuyển Sư phạm Toán trường Đại học Hồng Đức. Bước một chân đến cánh cửa ước mơ khiến chàng trai sinh năm 1987 không khỏi vui mừng.

Hiện tại, anh Mai Song Hào đang dạy học tại nhà và quản lý một câu lạc bộ gia sư với mong muốn giúp đỡ sinh viên sư phạm trong quá trình làm thêm, đúc rút kinh nghiệm dạy và học. Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình làm việc, anh Hào tâm sự: "Dạy học chưa bao giờ là một câu chuyện đơn thuần hay đơn giản, có rất nhiều khó khăn, từ việc tạo niềm tin, cảm hứng học tập cho học sinh, phương pháp dạy học làm sao để học sinh tiếp thu được nhanh nhất đến việc tạo lòng tin cho phụ huynh.. Bởi kết quả học tập rất dễ bị tác động bởi hoàn cảnh hoặc một yếu tố tâm lý nào đó".

Cũng theo anh Hào, đa phần học sinh có nhu cầu về gia sư là do gia đình tạo sức ép về học tập khiến các em thường có tư tưởng chống đối mà không hứng thú với việc học, vậy nên việc thay đổi nhận thức cần rất nhiều nỗ lực. Đôi khi thầy giáo không chỉ làm công việc giảng dạy mà còn là một người bạn, một "chuyên gia tâm lý" cho học sinh của mình.

cai-tam-lon-tren-vung-dat-nho-cua-mot-nguoi-thanh-hoa

 Lớp học tại nhà của thầy giáo Mai Song Hào

Trường hợp gần đây nhất anh gặp là một học sinh lớp 9, do hoàn cảnh gia đình, bố đi làm xa, mẹ không quan tâm dẫn đến việc em thường xuyên mải chơi, sức học sa sút.

"Nhưng khi đến với mình, em thay đổi, chịu khó học hơn, em có nói với mình một câu: "Nếu không phải là môn toán của thầy dạy thì em ko bao giờ học gia sư". Cái mình giúp được em có là lẽ là thấu hiểu và đem lại cho em niềm tin rằng bản thân vẫn còn có thể thay đổi để tốt hơn, không phải là "người thừa" của xã hội nữa", thầy giáo sinh năm 1987 chia sẻ.

Theo anh Hào, có bốn điều quan trọng trọng giảng dạy mà anh luôn theo đuổi, đó là: Dạy học bằng cái tâm, giữa học sinh và giáo viên không có khoảng cách. Dạy học bằng việc thực hành là chính. Phương pháp giảng dạy từ cơ bản đến nâng cao theo tầm nhận thức của học sinh. Cuối cùng, anh luôn hướng học sinh của mình tìm ra mục đích chính của việc học tập bởi mọi nỗ lực sẽ là vô nghĩa nếu bản thân học sinh không biết mục đích của việc mình đang làm.

Tuy còn khá trẻ nhưng vì bắt đầu công việc dạy học từ những năm đầu Đại học, đến nay nhiều thế hệ học sinh của anh Mai Song Hào đã ra trường và có công việc ổn định. Thầy giáo trẻ chia sẻ, tài sản lớn nhất của mình không phải là vật chất hay tiền bạc mà chính là thành quả giảng dạy. Mỗi năm, anh đều có học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Đại học thủy lợi, Đại học điện lực... thậm chí, anh còn có học sinh nhận học bổng du học tại Nhật Bản.

Khi được hỏi, anh nghĩ thế nào về câu nói: "Chuột chạy cùng sào mới vào sự phạm", anh Hào ngậm ngùi: "Nó cũng có cái đúng bởi sư phạm nghèo, nghề dạy học chỉ đủ ăn không thể làm giàu được, mà con người thì ai chẳng muốn mình được sung túc".

Nói thêm về nghề gia sư, anh Hào nhắc đến câu chuyện PGS.TS Văn Như Cương nói về "Gia sư và ô sin làm hư cả thế hệ học sinh" và khẳng định không đồng tình với ý kiến này.

Trích dẫn lời PGS.TS Văn Như Cương: "Dạy con khó lắm! Có hai thứ của xã hội hiện đại đang trực tiếp góp phần làm "hỏng" con cái trong các gia đình khá giả ở thành phố, đó là gia sư và ô sin. Gia sư học thay trẻ con. Ô sin làm hết việc của trẻ. Vô hình chung, trẻ con thành phố bị "cướp" đi quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động để phát triển trí tuệ cũng như thế chất bình thường của mình..."

"Gia sư không phải là cái máy giải bài tập cho học sinh, cũng không phải người làm hộ bài tập cho học sinh, gia sư với mình là lấy lại niềm tin học tập cho các em mà đôi khi, môi trường học tập tại nhà trường khó có thể đủ sâu sát để làm được việc đó", thầy giáo Mai Song Hào khẳng định.

Hoàng Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang