Cải thiện năng suất lao động – ‘bàn đạp’ tăng sức cạnh tranh nền kinh tế

author 07:06 07/08/2020

(VietQ.vn) - Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

NSLĐ Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011 - 2017.

NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, NSLĐ tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Tính theo mức tương đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singgapore; bằng 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; bằng 42,3% của Indonesia, bằng 56,7% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Cải thiện năng suất lao động là bàn đạp giúp gia tăng sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu: Trước tiên là rào cản từ thể chế. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản. Do xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, việc phát triển những thị trường có thể chế đặc thù trên gặp nhiều khó khăn, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này;

Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và NSLĐ của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt  đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực;

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng thấp; Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu;

Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn; Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập;

Đồng thời, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh. Thực tế, quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Giải pháp nâng cao NSLĐ

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải pháp để tăng NSLĐ quốc gia thời gian tới có nhiều, liên quan đến nhiều vấn đề như thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng… Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Lộc, để tiếp tục thúc đẩy việc tăng NSLĐ, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp gia đình (hay còn gọi là hộ kinh doanh).

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, NSLĐ đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.

Chính vì vậy, một mặt cần phải tiếp tục các hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao trình độ quản trị, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cấp trong chuỗi giá trị... Mặt khác, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của khu vực các doanh nghiệp gia đình - hộ kinh doanh, khu vực đóng góp tới 30% GDP, để có cơ sở hỗ trợ minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình, góp phần nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Nâng cấp hộ kinh doanh, nâng cao NSLĐ trong khu vực này sẽ là một trong những chìa khóa để khai mở và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chương trình 712: Đáp ứng ‘đúng’ và ‘trúng’ yêu cầu của doanh nghiệp(VietQ.vn) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Chương trình 712 đã đáp ứng “đúng” và “trúng” yêu cầu của doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang