Cải tiến năng suất - nâng tầm doanh nghiệp Việt

author 06:05 04/06/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, là một trong những giải pháp then chốt, giúp doanh nghiệp (DN) đứng vững và nâng cao vị thế trên thị trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cải tiến năng suất, chất lượng - hoạt động không thể thiếu trong DN

Trong những năm qua, chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp cho nhiều DN nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ qua đó tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và thời gian. Theo số liệu điều tra về trình độ công nghệ năm 2017, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất, sản xuất sản phẩm mới thì cải tiến chất lượng sản phẩm là phương thức được nhiều DN lựa chọn để cải thiện kết quả kinh doanh do không phải đầu tư nhiều nguồn lực.

Nhiều DN cải tiến quy trình sản xuất thành công nhờ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. 

Theo nhiều chuyên gia về năng suất, để giúp các DN quan tâm nhiều hơn đến cải tiến năng suất thì việc nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng. Trong đó, áp dụng công cụ cải tiến là nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của DN.

Theo bà Vũ Hồng Dân - Chuyên gia tư vấn năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, kế thừa các kết quả, kinh nghiệm triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào DN Việt Nam, thời gian qua, DN Việt Nam đã áp dụng một số hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với trình độ quản trị, đặc thù như: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000), Hệ thống quản lý An toàn thông tin (ISO 27000); Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000); Hệ thống quản lý Trách nhiệm xã hội (ISO 26000); Hệ thống quản lý Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (ISO 45001) và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma...

Nhận định về những kết quả từ DN khi triển khai áp dụng các công cụ cải tiến, bà Dân cho rằng, việc lựa chọn hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất phù hợp góp phần thúc đẩy đổi mới, hiệu quả và hiệu lực cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công cuộc cải tiến có thể làm ở các quy mô khác nhau, áp dụng mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng. Tuy nhiên, quy trình làm như thế nào và cách thức duy trì để không bị mai một và chia sẻ tri thức được cho những thế hệ kế tiếp là vấn đề nhiều DN đang gặp phải.

Tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng công cụ cải tiến

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là mục tiêu của các DN. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường đặc biệt trong thời điểm hội nhập toàn cầu và cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong và ngoài nước. Chính vì vậy, những câu chuyện về áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất của DN hi vọng sẽ giúp các DN mong muốn cải tiến sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai các dự án thành công.

Bà Dân dẫn chứng về các mô hình điểm triển khai các công cụ cải tiến tại DN đã mang lại hiệu quả rõ nét, như tại Công ty Cổ phần may Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/mã hàng xuống còn 32 giờ/mã hàng. Năng suất lao động tại phân xưởng may tăng 20 - 30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 5%.

Khi áp dụng công cụ cải phù hợp sẽ không chỉ gia tăng năng suất, chất lượng mà còn giúp DN tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Còn tại Tổng công ty May Đức Giang và 5 DN thành viên, sau khi áp dụng Lean, đã giúp DN nâng cao năng suất lao động bình quân từ 8 - 10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi hỏng trên chuyền từ 15 - 25% xuống còn 10 - 12%. Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đổi mới công nghệ và áp dụng công cụ cải tiến năng suất ở dây chuyền lắp ráp là Lean Six Sigma, giúp năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm, mô hình này đã được nhân rộng sang các dây chuyền khác trong ngành, năng suất lao động tăng từ 10 - 20% của toàn công ty.

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, cộng với áp dụng cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2019, Công ty Vingal-Vnsteel đã đạt doanh thu 310 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, về sản lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mạ kẽm đạt trên 30.800 tấn; sản xuất tiêu thụ sản phẩm gia công cơ khí đạt trên 2.000 tấn; sản xuất tiêu thụ ống thép đạt từ 3.100 - 3.200 tấn; doanh thu đạt 310 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng; thu nhập hàng tháng của người lao động bình quân đạt trên 13 triệu đồng...

“Kết quả kinh doanh trên của Công ty Vingal-Vnsteel cho thấy, khi áp dụng công cụ cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp sẽ không chỉ gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho DN mà còn giúp tăng doanh thu và lợi nhuận bền vững cho DN”, bà Dân nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng công cụ cải tiến chất lượng(VietQ.vn) - Nhờ có sự hỗ trợ của bộ Công Thương trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến…nhiều doanh nghiệp có thể cải thiện, nâng cao cũng như cải thiện chị phí đáng kể.


Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang