'Cải tiến tiền lương và chế độ để giữ chân nhà khoa học'

author 11:13 22/05/2014

(VietQ.vn) - Đó là mong muốn của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, một trong hai nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên khi trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam xung quanh câu chuyện đãi ngộ nhân tài hiện nay.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng sinh năm 1954 ở Quốc Oai, Hà Nội. Hiện ông làm việc tại khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà  Nội). GS được trao giải cho với Công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod”.

Xin GS cho biết cảm nghĩ của mình khi là một trong hai nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên?

Tôi rất vinh dự và tự hòa vì là một trong 2 nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên, cộng đồng toán học đã đề cử tôi là đại diện duy nhất về toán, đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm rất lớn, làm thế nào để gánh vác được trách nhiệm đó đang đè nặng trên vai.

Tại thời điểm này niềm vui đã qua, ý thức về trách nhiệm đối với toán học và học trò đang đè nặng trên vai tôi.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu có giá trị như thế nào đối với khoa học cơ bản, thưa Giáp sư?

Khoa học cơ bản rất quan trọng trong việc xác lập vị thế của 1 quốc gia, chúng ta rất cần công nghệ, nhưng cũng phải hiểu rằng nếu 1 quốc gia chỉ nhập công nghệ của nước ngoài thì có thể con cháu của quốc gia đó suốt đời chỉ là người đi làm thuê.

Nếu muốn có vị thế của người làm chủ thì ngay từ thời GS Tạ Quang Bửu đã cần phải phát triển khoa học cơ bản, tôi tin tưởng rằng với giải thưởng cao quý này trao cho khoa học cơ bản, sẽ góp phần phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, tạo điều kiện cho nước ta có thể có vị thế khoa học của nước phát triển cao trong tương lai gần.

Giáo sư có tiếp tục tập trung vào nghiên cứu khoa học và phát triển các đề tài được giải lần này nữa không?

Việc nghiên cứu khoa học là một hoạt động chuyên nghiệp của chúng tôi. Chuyên nghiệp ở đây hiểu theo nghĩa làm việc đó không nhằm mục đích nhận bất kỳ một học vị nào.

Như tôi tất cả những học vị đã có đủ, nhưng việc nghiên cứu khoa học đối với riêng tôi tất cả các công trình đã công bố dù có được đồng nghiệp ưu ái đánh giá tốt thì tôi không xem còn thú vị nữa, cái thú vị nằm ở những công trình sắp sửa được công bố hay trong công tác đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học tôi tham gia giảng dạy.

Giải thưởng này đặt trên vai tôi một trách nhiệm nặng nề hơn đối với sự đào tạo các bạn trẻ để các bạn có thể kế tiếp thế hệ của chúng tôi.

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng một trong hai nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Ông có muốn gửi gắm những tâm tư tình cảm gì của mình đối với việc phát triển khoa học cho nước nhà?

Tôi nghĩ cuộc sống luôn luôn có nhiều mặt, đôi khi trái ngược nhau tùy theo góc độ ta nhìn nhận. Từ một góc độ nào đó thì hiện nay nhà nước, đặc biệt thông qua quỹ Nafosted đã tài trợ cho khoa học nhiều hơn so với 5 năm trước. Tuy nhiên, so với các quốc gia lân cận chưa nói đến các quốc gia phát triển thì các đầu tư của nước ta còn rất hạn chế.

Đơn giản nhất là vấn đề lương bổng, không đủ cho cuộc sống bình thường của người làm khoa học. Tôi nhớ lại thời tôi mới học xong đại học nếu được giữ lại làm giảng viên thì không ai có thể từ chối vinh dự này, nhưng ngày nay thì tôi chứng kiến khá nhiều học trò khi được chúng tôi đề nghị ở lại trường làm giảng viên thì họ đã từ chối bởi vì cuộc sống của người giảng viên hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của gia đình họ đặt ra.

Chúng tôi mong muốn nhà nước cải tiến chế độ tiền lương và các đãi ngộ cho nhà khoa học để có thể giữ chân những người tài làm khoa học. Theo tôi nghĩ vấn đề tiền bạc rất quan trọng nhưng cũng không phải quan trọng nhất, điều quan trọng hơn đối với nhà khoa học là sử dụng đúng vị trí phù hợp với khả năng của mình thì phải nói rằng trong xã hội mình việc đó chưa được tốt.

Hơn nữa cơ chế phải thay đổi để sao cho các nhà khoa học cởi bỏ được cảm giác làm thuê của mình. Nhiều khi các nhà khoa học chúng tôi có cảm giác đi làm thuê trên chính quê hương mình. Còn thay đổi cơ chế thế nào là vấn đề lớn của xã hội, tôi cũng xin đề xuất một vài ý như vậy.

Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện.

Duy Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang