Cảm biến siêu nhỏ giúp theo dõi tiến trình vết thương mà không cần tháo băng gạc

author 06:46 21/08/2019

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Đại học Heriot-Watt (Anh) đang phát triển một công nghệ mới tích hợp trong cảm biến thông minh giúp các bác sĩ biết được sự tiến triển của vết thương mà không cần tháo bỏ băng gạc.

Trước đây, mặc dù có một số loại đồ băng bó vết thương đặc biệt nhưng muốn biết vết thương đang lành như thế nào bác sĩ chỉ có phương pháp chủ yếu là tháo bỏ băng gạc và trực tiếp nhìn. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Đại học Heriot-Watt do Tiến sĩ Michale Crichton dẫn đầu đã tạo ra các cảm biến điện tử tí hon có thể “nghe ngóng” xem chuyện gì đang xảy ra dưới lớp băng gạc.

“Nếu chúng ta có thể đặt cảm biến lên bề mặt mô quanh vết thương hoặc trên vết thương, cảm biến sẽ cho chúng ta biết vết thương sẽ tiến triển theo cách này hay cách khác. Như vậy, chúng ta không cần liên tục mở băng gạc ra mới biết vết thương đang lành nhanh hay xấu đi”, ông nói.

Tuy nhiên, một vết thương lành nhanh sẽ như thế nào? Trước khi biết điều đó, các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu xem da sẽ phản ứng thế nào khi bị cắt. Đó là lý do tại sao Sara Medina Lombardero, một thành viên nhóm nghiên cứu cắt một lớp mỡ từ một mẫu da lợn tươi, có đặc điểm tương tự mô người. Lombardero nói: “Phần việc của tôi trong dự án là tìm hiểu xem mỗi lớp da đóng góp thế nào vào các đặc tính cơ học”.

Hình ảnh 3D của vết thương do cảm biến siêu nhỏ cung cấp. 

Lombardero cắt mảnh da lợn thành nhiều dải có kích thước nhất định, sau đó rạch một vết nhỏ trên từng mảnh. Cô đặt mẫu dưới một hệ thống chụp X-quang quang học để có những hình ảnh 3D chi tiết về cấu trúc da bên dưới bề mặt. Từ hình ảnh, nhà nghiên cứu có thể biết vết cắt đã cắt qua mọi lớp của da.

Có rất nhiều loại vết thương gây ra những khó khăn khác nhau trong điều trị, ví dụ như do tai nạn, phẫu thuật, nằm liệt lâu ngày… Một số vết thương sau đó trở thành mãn tính. Thậm chí, một vết đứt nhỏ trên làn da mỏng manh của người già cũng có thể bị nhiễm trùng và trong một số trường hợp khiến bệnh nhân bị cắt cụt chi.

Lắng nghe mô của cơ thể có thể giúp bác sĩ có các cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các cảm biến phải siêu nhỏ. Ông Crichton nói: “Điều chúng tôi muốn làm cơ bản là đưa những thiết bị tí hon có thể chuyển động và truyền sóng nhỏ. Âm thanh đó có thể truyền qua mô. Chúng tôi sau đó sẽ xem âm thanh được truyền nhanh thế nào và từ đó biết mô bên dưới băng gạc tiến triển ra sao”.

Dự án kéo dài hai năm này đang được Hội đồng Khoa học Vật lý và Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu. Dự án hy vọng sẽ mở ra biện pháp chữa trị mới nhờ các cảm biến “nghe” vết thương. Trong tương lai, việc điều trị ung thư hay một bộ phận bị tổn thương cũng có thể được hỗ trợ nhờ công nghệ này.

Bảo Lâm (Theo BBC)

Theo dõi sức khỏe, cảnh báo bệnh tật nhờ bộ cảm biến da giống y hệt các hình xăm nghệ thuật(VietQ.vn) - Nhóm các nhà khoa học Đại học kỹ thuật Munich (Đức) vừa phát triển thành công bộ cảm biến da có khả năng lưu lại vĩnh viễn như hình xăm nghệ thuật.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang