‘Cấm chợ’ khoai tây Trung Quốc: Đà Lạt không lo bị ‘trả đũa’

author 07:13 01/11/2015

(VietQ.vn) - Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt không lo trả đũa khi cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ Nông sản của thành phố này.

Trước việc UBND TP. Đà Lạt ra văn bản cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt để ngăn chặn việc khoai tây Trung Quốc “mặc áo” trà trộn thành khoai tây Đà Lạt nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài, đây là một biện pháp khá nguy hiểm.

Khoai tây Trung Quốc

Đà Lạt không lo 'trả đũa' khi cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt

Cụ thể, GS. TS. Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT - Melbourne, Australia cho rằng, thực tế, Lâm Đồng dù có sản xuất được khoai tây thì cũng chỉ mang tính thời vụ chứ không thể đủ nguồn cung quanh năm cho thị trường. Do đó, đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu duy trì và nhân rộng sẽ rất nguy hiểm.

“Không thể vin vào cớ lo ngại chất lượng nông sản Trung Quốc không đảm bảo và nhằm bảo vệ người tiêu dùng để ra quyết định “cấm chợ” như vậy. Đây là vấn đề bất cập trong quản lý. Dân mình nhập về rồi chính dân mình trộn đất để làm giả chứ có phải người Trung Quốc làm đâu”, GS. TS. Nguyễn Quốc Vọng nói.

Ngoài ra, nếu xét về cán cân thương mại, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của rau quả Việt Nam, nếu phía Trung Quốc cũng cấm ngược lại thì hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tuy nhiên, trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì mình cũng phải tuân theo luật của WTO nhưng đối với vấn đề nông sản, mỗi địa phương lại  có cách quản lý khác nhau để giảm tổn thất cho nông dân.

Theo ông Phạm S: “Lâm Đồng đã xây dựng chợ nông sản từ nhiều năm nay nên việc không cho nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ này để gian lận thương mại là hoàn toàn đúng. Chất lượng hai loại khoai tây khác nhau nên khi để tiểu thương “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt thì vô hình chung thương hiệu khoai tây Đà Lạt bị ảnh hưởng. Về mặt thương mại, khi nhập về Việt Nam thì đều có giấy phép hợp lý hết nhưng về mặt sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý thì không phù hợp”.

Về ý kiến có thể phía Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp trả đũa với nông sản Việt Nam, ông Phạm S khẳng định, hoàn toàn không lo việc này bởi văn bản chỉ áp dụng trên diện rất hẹp ở tại chợ nông sản Đà Lạt.

Từ nhiều năm nay, khoai tây Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ NN&PTNT cho hay, hiện nay khoai tây Trung Quốc được nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng và cảng TPHCM.

Tại cửa khẩu Lào Cai, theo ông Trần Văn Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 Lào Cai, trung bình mỗi ngày chỉ có vài chục tấn khoai tây Trung Quốc vào Việt Nam, ngày nhiều là khoảng 100 tấn.

Số liệu thống kê cả năm 2014 cho thấy, lượng khoai tây nhập qua cửa khẩu Lào Cai là hơn 10.400 tấn. 9 tháng năm 2015, con số trên là hơn 7.800 tấn.

Còn tại Lạng Sơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 tấn khoai Trung Quốc vào Việt Nam. Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 Lạng Sơn cho hay, những ngày cao điểm, lượng khoai tây Trung Quốc đổ về lên tới 200 tấn. 

Trong số lượng khoai tây Trung Quốc nhập về Việt Nam trên, có một số lượng không nhỏ được chở thẳng vào TP Đà Lạt để hô biến thành khoai tây Đà Lạt. Đây là hành vi gian lận thương mại trắng trợn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và khoai tây Đà Lạt.

Giá nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về đến Lào Cai chỉ từ 1.800 đồng/kg-2.000 đồng/kg, sau khi được “mặc áo” hô biến thành khoai tây Đà Lạt giá sẽ đội lên từ 7-8 lần.

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu khoai tây Trung Quốc tăng vọt với gần 35.000 tấn được thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn. Trong khi đó, cả năm 2014, lượng khoai tây Trung Quốc nhập về qua các cửa khẩu trên địa bàn là hơn 21.000 tấn.

Nhằm dẹp bỏ tình trạng trên, UBND TP Đà Lạt đã ra quyết định từ ngày 1/11 cấm tiểu thương đưa khoai tây Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt để rửa sạch và mặc áo thành khoai tây Đà Lạt.

Ông Phạm S cũng cho hay, ý kiến tiểu thương không phản đối chủ trương và văn bản của TP Đà Lạt mà chỉ đề nghị kéo dài thời gian trước khi văn bản có hiệu lực. Tuy nhiên, theo ông Phạm S “đây chỉ là cớ để họ tiếp tục kéo dài thời gian gian lận, kiếm lời. Tuy nhiên, UBND TP Đà Lạt cũng đã đồng ý kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 1/11 thay vì 20/10 như ban đầu”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang