Cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp

author 13:12 24/10/2014

Thông tư quy định chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đặt tên sau này, các doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì không phải sửa đổi.

Thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” vừa được Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 1-10 đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng như giới luật sư và doanh nhân.

Bà Ninh Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thuộc Bộ VH-TT&DL, đơn vị trực tiếp soạn thảo thông tư này - cho biết, “Bộ VH-TT&DL không tự nghĩ ra những điều khoản trong thông tư này, mà đây là những quy định được bộ soạn thảo căn cứ trên nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ năm 2013 về đăng ký doanh nghiệp.” 

Một doanh nghiệp có tên riêng trùng với tên danh nhân

Một doanh nghiệp có tên riêng trùng với tên danh nhân. Ảnh N.Khánh

Bà Hương chia sẻ, Bộ VH-TT&DL ban hành thông tư đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Việc cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 3, điều 14, nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ trước đó rồi. Nên nếu mọi người hỏi lý do vì sao lại cấm thì nên hỏi Chính phủ chứ không thể hỏi Bộ VH-TT&DL được. Việc đặt tên đường, tên trường, tên đơn vị hành chính được mà tên doanh nghiệp không được thì bộ cũng không trả lời được”.

Theo bà Hương, việc xác định những ai là “danh nhân” mới đang trong quá trình Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL đề xuất để Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ quyết định xem ai là danh nhân không được doanh nghiệp đặt tên. Lúc đó mới thực hiện thông tư này được.

Theo thông tư của Bộ VH-TT&DL, doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân Lý Thường Kiệt như thế này

Theo thông tư của Bộ VH-TT&DL, doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân Lý Thường Kiệt như thế này. Ảnh Hữu Khoa

Bà Hương nói: “Khi chưa có văn bản quy định những ai được coi là “danh nhân” thì các doanh nghiệp được đặt tên bình thường, còn khi nào có văn bản quy định những ai là “danh nhân” thì lúc đó doanh nghiệp mới bị cấm đặt tên. Còn bây giờ, kể cả sau ngày 25-11-2014, mà vẫn chưa có văn bản xác định những ai là “danh nhân” thì doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi điều khoản không lấy tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp của thông tư này”.

Bà cũng nói thêm thông tư quy định chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đặt tên sau này, không quy định doanh nghiệp về mặt hồi tố, nên các doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì không phải sửa đổi.

Những tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc

1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này;

c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc...

Ngoài những nội dung về việc doanh nghiệp đặt tên “vi phạm truyền thống”, thông tư cũng quy định thêm về việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc với các trường hợp: sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới...

Với nội dung “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh ký ngày 1-10-2014. Thông tư có giá trị thực thi từ ngày 25-11.C.K.

(trích từ thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL)

 

 

Theo Tuổi Trẻ

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang