Cấm mua bán trang phục công an: "Mất bò mới lo làm chuồng"

author 13:35 06/07/2013

(VietQ.vn) - Công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép trang phục CAND trên địa bàn. Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ nguồn gốc các loại trang phục CAND đã thu giữ.

Để tăng cường quản lý Nhà nước về trang phục Công an nhân dân, lãnh đạo Bộ Công an vừa có công văn yêu cầu các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy yêu cầu thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về trang phục CAND. 

Theo đó, cần tăng cường công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ (nhất là các Học viện, Trường CAND) nghiêm cấm mua bán, cho, tặng trang phục CAND. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm. Công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép trang phục CAND trên địa bàn. Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ nguồn gốc các loại trang phục CAND đã thu giữ.

Bày bán trang phục cảnh sát ở trên phố
Bày bán trang phục cảnh sát ở trên phố
 
Trước đó, chiều ngày 3/6, đội QLTT số 3 phối hợp với đội 4 – phòng cảnh sát kinh tế - công an Hà Nội tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng bán quần áo số 11, 13 và 38 phố Nguyễn Thiệp – phường Đồng Xuân – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều quần áo, giầy dép, quân hàm là trang phục của quân nhân quân đội.
 
Hiện chưa có thống kê về số lượng cụ thể. Trước đó đội 4 phòng CS Kinh tế đã tiến hành gần 10 cửa hàng trên phố Lê Duẩn và phát hiện nhiều quân tư trang là trang phục trong ngành quân đội, đáng chú ý, cơ quan công an còn phát hiện cả áo giáp trong số hàng hoá này.
 
Tại phố Lê Duẩn, các cửa hàng bày bán quân trang giống bộ đồ quân phục của bộ đội được bố trí san sát, kề cận với nhau. Ở khu vực này, các cửa hàng đều bày bán đồ áo, mũ nón tương tự như của các chiến sỹ CSCĐ...
 
Ghé vào một cửa hàng ở đây, thấy khách, chị chủ quán đon đả chào mời: "Em muốn mua quần áo loại nào? Cấp tướng hay cấp tá. Ở đây chị có hết". Theo lời của chị chủ quán, giá của bộ quần áo cấp "tướng, tá" này chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến không quá 800 ngàn đồng.
 
Quan sát cho thấy, những bộ quần áo này được thiết kế khá chuẩn. Từ đường viền, chỉ may đều rất chuyên nghiệp chỉ có điều chất liệu vải khá thô, xơ, khi sờ vào thấy nhám. Màu sắc đều tương tự với trang phục của quân nhân vẫn hay mặc.
 
Khi chúng tôi đặt câu hỏi muốn mua với số lượng lớn đồ áo quân trang và dụng cụ hỗ trợ giống của bộ đội, bà chủ quán đáp gọn: "Muốn bao nhiêu chị cũng đáp ứng được miễn sao trả đủ tiền".
 
Ghé vào một cửa hàng kế bên, dẫn chúng tôi vào sâu trong quán, chị chủ quán trạc tuổi 35 cũng xởi lởi giới thiệu các mặt hàng quần áo của cửa hàng. "Giá một độ quần áo giống chiến sỹ đặc công là khoảng 250 ngàn đồng. Em xem mua chị sẽ khuyến mãi. Chỗ chị còn có cả phụ kiện đi kèm y như thật em à. Em mặc vào đố ai biết được là dân thường hay lãnh đạo'.
 
Giá của các mặt hàng quân trang, quân dụng này đều có mức khác nhau. Với những trang phục cấp tướng, tá dao động trên 400 ngàn đồng. Tất, áo lót xanh, thắt lưng được chào bán từ 20 đến 150 ngàn đồng.
 
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua quần áo quân trang của lực lượng công an để chuẩn bị cho vở diễn ở trường trong tuần tới, chủ cửa hàng ở đây liền tỏ thái độ nghi ngờ và liên tiếp hỏi chúng tôi "mua để làm gì, nhà ở đâu", rồi chốt lại "chỗ chị không bán mặt hàng này, đây là hàng cấm".
 
Tuy nhiên khi chúng tôi chèo kéo một thời gian thì bà chủ quán này mới 'mở lòng': Nếu các em cần thì cứ để lại số điện thoại chị sẽ nhờ người hỏi cho và giá cả sẽ trên tiền triệu.
 
Thiết nghĩ, nếu Bộ Công an không có cơ chế siết chặt quản lí việc mua bán quân trang nhái ở ngoài thị trường hiện nay sẽ rất khó trong việc quản lý cán bộ nhất là việc ngăn chặn tình trạng giả danh công an để làm việc phi pháp như nhiều trường hợp đã xảy ra. 

Phan Mạnh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang