Cấm phụ nữ vác 50Kg: Bảo vệ hay triệt nguồn sống?

author 09:29 18/12/2013

(VietQ.vn) - “Ngày xưa Ngô Thị Tuyển vác được hơn 90kg thì được phong danh hiệu anh hùng, tại sao ngày nay lại cấm phụ nữ mang vác 50kg khi làm việc?”

Xung quanh Thông tư số 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH đưa ra danh sách 77 công việc phụ nữ không được làm, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này không những khiến gia tăng bất bình đẳng về giới mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Không khả thi, gây tiêu cực

Được biết,Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013 quy định rõ sáu nhóm đối tượng không được sử dụng lao động nữ bao gồm các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm những công việc trong danh mục ban hành kèm theo thông tư.

Đáng nói là trong danh mục “cấm” mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, bao gồm cả những công việc mà thực tế nhiều phụ nữ vẫn đang làm như: mổ tử thi,  ngâm tẩm da, muối da, bốc dỡ da sống, chế biến lông vũ trong điều kiện hở, nạo vét cống ngầm, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối, dễ bị nhiễm trùng, mang vác nặng trên 50kg (trên 20kg với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi)...

Nữ giới cũng có quyền được lao động để tăng thu nhập, cấm họ vác 50Kg là không hợp lýNhiều phụ nữ mong muốn được lao động để kiếm sống dù vất vả. (Ảnh minh họa)

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định: Rõ ràng Thông tư không khả thi, chỉ mang tính hình thức, thể hiện lối suy nghĩ cứng nhắc, giản đơn của người làm luật. “Ngày xưa Ngô Thị Tuyển vác được hơn 90kg thì được phong danh hiệu anh hùng, tại sao ngày nay lại cấm phụ nữ làm việc phải mang vác 50kg?”, bà Hồng dẫn chứng.

Theo bà Hồng, trong số danh sách “cấm” mà Thông tư đưa ra, thực tế có rất nhiều việc phụ nữ đang làm và có thể làm tốt hơn nam giới.  “Quy định như vậy là gây cản trở phụ nữ phát huy năng lực của mình. Chính vì thế sẽ khiến dư luận nghi ngờ những ý định tốt đẹp bảo vệ phụ nữ, bình đẳng giới mà Thông tư này vốn định mang lại”, bà Hồng nói.

Bà Hồng phân tích: “Trong khi cơ hội việc làm cho phụ nữ vốn đã khó khăn thì với giới hạn này, người phụ nữ lại càng khó khăn hơn, đẩy họ rơi vào thế bế tắc. Thử hỏi như vậy là bảo vệ quyền lợi phụ nữ hay là triệt tiêu nguồn sống của họ?”, bà Hồng đặt câu hỏi.

Thậm chí, theo bà Hồng với quy định này, rất có thể còn dẫn tới thực trạng phụ nữ muốn tiếp tục được làm việc sẽ phải luồn lót, đi đêm cho những cá nhân, cơ quan quản lý…
 

Chỉ nên quy định với phụ nữ mang thai

Bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, cho rằng: Một mặt, thông tư nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, nhưng mặt khác, văn bản này lại không bình đẳng với nam giới bởi nó không đề cập đến việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của nam giới.

Đã có bằng chứng cho thấy một bộ phận công nhân nam làm việc vất vả trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, như tiếp xúc với hóa chất, đã bị ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái khi họ có con.

Theo bà Lan, vấn đề cốt lõi trong cách tiếp cận bình đẳng phải là nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động (cả nữ và nam).  Không nên cấm phụ nữ làm một số ngành nghề trừ khi những công việc đó có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú.

“Thông tư này có vẻ như chưa tính đến những nhu cầu chiến lược về tăng quyền cho phụ nữ và tiềm năng cải tiến công nghệ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, phụ nữ có thể mất đi những cơ hội việc làm do những quy định mới này”, bà Lan nói.

Bà Lan dẫn chứng: nhiều nữ công nhân có sức khỏe tốt, không mang thai hoặc đang không nuôi con nhỏ, mong muốn được làm những công việc này nhưng lại bị từ chối chỉ vì người thuê lao động không muốn vi phạm pháp luật.

“Rất nhiều nữ lao động trẻ sống độc thân hoặc là trụ cột kinh tế của gia đình, không thể tìm được việc làm; nhiều phụ nữ trung niên và lớn tuổi hơn một chút nếu không có kỹ năng và bằng cấp, khi không còn bận rộn với con nhỏ, gia đình và vẫn còn đủ sức khỏe làm việc, có thể làm những công việc đơn giản nhưng vất vả với mong muốn có được thu nhập tốt”.

Ngồi phòng lạnh làm chính sách

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo thống kê về đào tạo nghề của Bộ LĐ-TBXH, số lượng lao động không có tay nghề chủ yếu là nữ giới. Với trình độ lao động như vậy, việc “kén cá chọn canh”, từ chối những công việc nặng nhọc, đơn cử như bốc vác, là điều không dễ!

“Lựa chọn việc không phải là vấn đề cấm hay không cấm mà thuộc về quyền của người lao động. Quy định như vậy, là cách làm lối mòn của ta từ xưa tới nay "ngồi phòng lạnh làm chính sách". Không rõ Bộ LĐ-TB&XH, khi làm luật, có tham vấn trực tiếp người lao động, nhất là lao động nữ hay không? Quy định "nghe có vẻ bảo vệ" nhưng thể hiện sự bảo thủ, trì trệ của những nhà làm luật !” bà Hồng nói.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang