Cấm quán cóc bán thuốc lá: "dễ rơi vào luật chết"

author 07:50 11/08/2013

(VietQ.vn) - Kể từ ngày 15/8/2013, các quán cóc sẽ không đủ điều kiện được bán thuốc lá. Tuy hạn chế thuốc lá là điều cần thiết nhưng luật sư Lê Minh Hải cho rằng điều này "thiếu tính khả thi, dễ rơi vào trường hợp “luật chết” vì không có cơ chế thực hiện".

Những nơi bán thuốc lá tạm như thế này hiện nay ước tính phải lên đến hàng vạn.

Hàng vạn “quán cóc” bán thuốc lá là vi phạm?

Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được Chính phủ ban hành ngày 27/6/2013 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2013.

Theo đó, để được cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện: 1- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; 2- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; 3- Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3 m2 trở lên; 4- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; 5- Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Cũng theo Nghị định 67, các hành vi sau được coi là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá: Sản xuất, mua bán sản phẩm, mua bán nguyên liệu thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá không có giấy phép; đầu tư trồng cây thuốc lá không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu không được bảo hộ tại Việt Nam; Sản xuất sản phẩm thuốc lá vượt sản lượng cho phép; Mua bán, chuyển nhượng tem sản phẩm, giấy cuốn điếu thuốc lá; Bán thuốc lá tại khu vực công sở, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim ...

Như vậy, nếu thực hiện đúng các quy định trên về kinh doanh thuốc lá bán lẻ thì sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn quán trà đá hoặc những “quán cóc” bán lẻ thuốc lá sẽ không đủ điều kiện để “kinh doanh” mặt hàng này. Bởi lẽ hầu hết những hàng quán này là những chỗ “dựng tạm”, không đáp ứng đủ những điều kiện "khắt khe" như năm tiêu chuẩn ở trên và người mua sản phẩm thuốc lá từ những cơ sở này cũng được xem là vi phạm Nghị định 67.

"Nếu tính số lượng các quán cóc, quán trà đá vỉa hè, cửa hàng tạp hóa nhỏ,… trên toàn quốc thì con số có thể lên đến hàng triệu. Vậy kiểm soát số lượng hàng quán trên như thế nào?" (Luật sư Lê Minh Hải)

Dễ rơi vào luật “chết”

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 67 được thông qua, nhiều người đã lo ngại một số điều hoản quy định trong Nghị định khi đưa vào thực tế sẽ nảy sinh những bất cập và khó thực hiện được.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Lê Minh Hải – Trưởng văn phòng Luật sư Royal (Hà Nội) cho rằng Nghị định 67 là thiếu tính khả thi, dễ rơi vào trường hợp “luật chết” vì không có cơ chế thực hiện.

Luật sư Hải cho rằng: “Bất kể một nghị định, quy định, bộ luật hay bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào khi ban hành ra và muốn đi vào cuộc sống thì đòi hỏi phải hợp lý. Những trường hợp luật ban hành ra mà không áp dụng được vào thực tế thì gọi là khái niệm “luật chết”. Ở đây, khái niệm “luật chết” được hiểu là luật do ý muốn chủ quan, không thực hiện được. Việc không thực hiện được có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu cơ chế”.

Luật sư Hải phân tích: “Nghị định 67 về việc hạn chế kinh doanh, mua bán thuốc lá vừa ban hành vừa qua còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng việc hạn chế kinh doanh, sử dụng thuốc lá – chất kích thích gây nghiện có hại cho sức khỏe con người là cần thiết. Song biện pháp thực hiện như thế nào lại là chuyện khác, cần phải tính kỹ.

Trên thực tế, các cơ sở kinh doanh thuốc lá nhỏ lẻ trên thị trường đã tồn tại rất nhiều và rất lâu rồi, nếu tính số lượng các quán cóc, quán trà đá vỉa hè, cửa hàng tạp hóa nhỏ,… trên toàn quốc thì con số có thể lên đến hàng triệu. Vậy kiểm soát số lượng hàng quán trên như thế nào? Cơ quan chức năng có đủ người để kiểm soát? Tôi nghĩ là không.

Vấn đề ở đây là chúng ta có Nghị định, có Luật nhưng chúng ta lại đang thiếu đi cơ chế thực hiện, cụ thể ở đây là cơ chế kiểm soát hành vi của hàng triệu cơ sở kinh doanh thuốc lá nhỏ lẻ nói trên ở toàn quốc xem họ có vi phạm hay không và nếu họ vi phạm thì xử lý có hết được không hay xử lý chỗ này thì chỗ khác lại bán? Và nếu như thế thì hiển nhiên Nghị định sẽ khó mà đạt hiệu quả như đã ban hành”.

“Cùng với hàng triệu cơ sở đang kinh doanh thuốc lá nói trên tất nhiên sẽ có hàng triệu người mua và sử dụng thuốc lá. Tất nhiên theo quy định của Nghị định 67 thì người mua thuốc lá ở những cơ sở không đạt chuẩn này sẽ bị xem là vi phạm Nghị định và bị xử phạt. Nhưng xử phạt ra sao? Ai xử phạt? Có xử phạt hết được không? Đây là vấn đề cực kì nan giải và theo tôi là không khả thi, không thể thực hiện được”, Luật sư Hải nói.

Cũng theo Luật sư Lê Minh Hải, Nghị định 67 đang đi lại “lối mòn” của một số nghị định trước đó, ban hành ra nhưng không thể thực hiện được. “Theo tôi đây là những nghị định “trên trời”. Ban hành ra như không thể áp dụng được vào thực tế vì không phù hợp. Cần phải nghiên cứu, sửa đổi lại cho phù hợp”, Luật sư Hải khẳng định.

Hoàng Giang
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang