Cam siêu rẻ - Người bán không dám ăn

author 16:40 10/10/2012

(VietQ.vn) Gần đây, trên thị trường xuất hiện loại cam có giá bán siêu rẻ chỉ từ 5 - 10 nghìn đồng/kg, cam trong nước tại tất cả các tỉnh, thành đều chưa đến mùa thu hoạch. Trong khi người dân đang băn khoăn không biết chất lượng, nguồn gốc của loại hoa quả này như thế nào, thì hàng ngày chúng được tập kết với số lượng rất lớn ồ ở các chợ đầu mối, cơ quan chức năng vẫn rất thờ ơ.

Mua bao nhiêu cũng có

Dắt chiếc xe đạp có hai chiếc sọt đã được chuẩn bị sẵn vào khu vực chợ đầu mối Long Biên. Là chợ đầu mối nên ở đây bán đủ loại mặt hàng. Thấy bộ dạng ngó nghiêng của tôi, mấy đại lý bán chanh, quất… liên tục chào mời. Tôi nói đang muốn tìm mua cam giá rẻ để về bán rong, một chị tuổi chạc chừng hơn 30 chỉ dẫn: “Đi vào sâu trong kia đợi. Lát nữa xe tải chở cam từ biên giới về tha hồ chọn”. Đi chừng vài trăm mét, đến đầu cổng phụ thứ 2 là một đại lý cam. Thấy tôi, bà bán hàng đon đả: “Mua cam đi em. Cam Hà Giang giá đổ buôn 20 nghìn đồng/kg”. Tôi chê giá đắt, chị bán hàng khẳng định: “Cam xịn nên giá cao. Nếu muốn giá rẻ chỉ có loại cam bóc thôi”. 

Tôi tò mò hỏi “cam bóc” là loại cam gì? Chị chủ hàng giải thích đây là loại cam được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Không riêng gì chợ đầu mối Long Biên, ở các chợ khác cũng tràn lan loại cam này. Giá của chúng rất rẻ chỉ 5 nghìn đồng/kg. “Đấy là đã về đến chợ rồi, chứ nếu lấy tận gốc có khi chỉ 3 nghìn đồng/kg”- chị bán hàng nói. Cũng theo chị này, “tiền nào của nấy”, loại cam trên ít nước, khô và không ngọt như những loại cam của ta. Khi bổ quả cam này ra, hầu như các quả đều không có hoặc rất ít hạt. “Nếu không là cam thải loại thì cũng ngâm tẩm đủ loại hoá chất trước khi về chợ. Ăn vào chẳng biết thế nào, chết có ngày”- chị bán hàng cảnh báo.

Trái với những lời cảnh báo trên, người phụ nữ tên Hoa tự nhận là chủ đại lý cam bóc ở trong chợ trấn an khi thấy vẻ băn khoăn của tôi: “Cam rẻ mình mua về bán càng có lãi. Mỗi đêm chị nhập hàng chục tấn chứ có phải đi mua vài trăm cân như em đâu. Yên tâm đi, hàng này bán chạy lắm”. Loại cam bóc mà chị bán hàng nói có rất nhiều “ưu điểm” ngoài giá rẻ còn có mẫu mã đẹp. Quả cam bóng láng, vỏ nhẵn và óng vàng trông rất đẹp mắt. Hơn nữa, so với cam Hà Giang thì loại cam này to hơn, gần tương đương với cam sành Sài Gòn. Nếu không phải là người sành ăn thì khó phân biệt được đâu là cam bóc Trung Quốc và đâu là cam sành Sài Gòn.

Hàng rong bán hoa quả lúc sáng sớm ở phố Hàng Giày, đằng sau là các hộp đóng gói ghi nhãn Trung Quốc.
Hàng rong bán hoa quả lúc sáng sớm ở phố Hàng Giày, đằng sau là các hộp đóng gói ghi nhãn Trung Quốc.

Người bán không dám ăn 

Chỉ một đại lý đã nhập hàng tấn thì không biết số lượng chính xác loại cam này được đưa vào nước ta lớn đến đâu. Con số thống kê này, ngay lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu cũng như trên địa bàn TP. Hà Nội khó có thể công bố chính xác được. Từ chợ đầu mối Long Biên, các loại hoa quả như táo, lê, cam quýt, dưa vàng, hồng vuông, nho… được các tư thương xé lẻ đưa về khắp các chợ bày bán. 

Trên dọc Quốc lộ 32 đoạn qua khu vực nghĩa trang Mai Dịch, đường Trần Thái Tông (Hà Nội) là một trong những nơi tập kết bán lẻ loại cam này nhiều nhất. Các chủ hàng treo biển bán với giá 10 - 15 nghìn đồng/kg. Rẽ vào một sạp hàng bán cam bên đường, chị bán hàng tên Loan ở Đan Phượng lập lờ: “Giá rẻ vì cam đang vào mùa. Cam Hà Giang ngon chính hiệu”. Thấy tôi băn khoăn về nỗi sợ cam Trung Quốc có hoá chất độc hại như mận tươi, nho… đã từng được phát hiện, chị bán hàng quả quyết: “Yên tâm. Cam là loại hoa quả vỏ dày. Nếu có ngâm hay phun hoá chất vào thì khi ăn bóc vỏ ra múi cam chẳng vấn đề gì”.

Do giá rẻ và mẫu mã đẹp nên các hàng bán rong loại cam này không thiếu khách hàng. Trong nhiều giờ quan sát, hầu hết người mua là sinh viên, học sinh hoặc những người lao động nghèo.

Cam nhập khẩu?

Theo Cục Bảo vệ thực vật, cam là 1 trong 5 loại quả được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam gồm nho, táo, lê, cam quýt và lựu. Tuy nhiên, về loại cam siêu rẻ được bán với giá từ 5 -10 nghìn đồng/kg đang tràn lan ở thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV vẫn chưa hay biết. Trao đổi với phóng viên, ông Hồng cho rằng, cần phải lấy mẫu, kiểm tra trên khu vực cửa khẩu mới biết được có phải cam của Trung Quốc nhập về hay không. 

Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang khẳng định, loại cam siêu rẻ đang được bày bán trên thị trường Hà Nội hiện nay không phải là cam của Hà Giang. “Vụ thu hoạch cam Hà Giang phải vào tháng 10 âm lịch hàng năm. Do vậy, thời điểm này, cam Hà Giang chưa được thu hoạch vì còn non. Bên cạnh đó, loại cam đường Hà Giang hiện diện tích trồng còn rất ít, không nhiều để đưa về Hà Nội bán với giá rẻ như vậy”, ông Vinh nhấn mạnh. Cũng theo ông Vinh, cam sành Hà Giang có vỏ ngoài hơi sần sùi, bên trong ruột đỏ và có hạt. Khi chín, cam có vị ngọt, thơm, chứ không chua. Cũng có ý kiến cho rằng, loại cam siêu rẻ trên có nguồn gốc từ  Hòa Bình. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cũng phủ định điều này.

Đề cập đến vấn đề giá cả một số loại quả từ Trung Quốc đều rất rẻ như cam, táo, lê, ông Hồng cho biết, do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch rộ. Không như ở Việt Nam, diện tích trồng các loại trái cây của Trung Quốc rất lớn nên vào mùa thu hoạch đưa ra thị trường một lượng sản phẩm khổng lồ mà thị trường nội địa không tiêu thụ hết. Trái cây Trung Quốc lượng nhiều nhưng chất không cao, khó cạnh tranh được với trái cây các nước ôn đới tại các thị trường cao cấp nên họ chọn cách xuất khẩu sang các nước dễ tính như Việt Nam, Lào, Campuchia... với giá rẻ. Ngoài ra, giá cam quýt, táo lê của Trung Quốc rẻ còn do một số nguyên nhân như nhu cầu thị trường ít hơn, nhưng sản lượng lại lớn, bên cạnh đó là chính sách thông  thương giữa hai nước, hàng nông sản qua cửa khẩu không phải chịu thuế.

Hàng đêm, một lượng lớn hoa quả Trung Quốc đổ về chợ đầu mối Long Biên.
Hàng đêm, một lượng lớn hoa quả Trung Quốc đổ về chợ đầu mối Long Biên.

Nguy cơ tổn thương gan, thận

Trong tháng 9, kết quả kiểm nghiệm phát hiện các mẫu hoa quả như lựu, táo lê đều có mức dư lượng hóa chất vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần. “Mặc dù các hóa chất vừa phát hiện không tới mức gây ung thư, nhưng khi sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ gây các triệu chứng ngộ độc, có liên quan tới đường ruột, tiêu hóa và về lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể người ăn, ảnh hưởng tới gan, thận”, ông Hồng cho biết.

Theo đó, hóa chất được Cục BVTV phát hiện trên nho, lựu gồm Carbendazim và Tebuconazole. Đây là hai loại hoạt chất diệt nấm trên rau củ quả. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột thí nghiệm và chuột đồng. Ở Nhật Bản, khi thử nghiệm hóa chất Carbendazim trên các loài chim trưởng thành và có hoạt động tình dục cho thấy, khả năng gây vô sinh ở những con chim tiếp xúc kéo dài với Carbendazim.

Còn kích ứng da có thể xảy ra thông qua tiếp xúc với  Benomyl trong công nghiệp, trồng hoa, hái nấm. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho chó ăn Benomyl trong khẩu phần ăn trong 3 tháng cho thấy thay đổi chức năng gan ở liều cao nhất (150mg/kg). Khi tiếp xúc thời gian dài với hóa chất sẽ gây tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ phân loại Benomyl như là hợp chất có thể gây ung thư. Hai năm nghiên cứu thử nghiệm qua chuột đã cho thấy nó có thể gây gia tăng các khối u gan. Bộ Nông nghiệp Thủy sản và Thực phẩm của Anh cũng đưa ra quan điểm này và cho rằng Benomyl mang lại hiệu ứng độc cho gan. Ngoài ra, nó còn gây dị tật bẩm sinh, nếu người mẹ tiếp xúc với một liều cao bất thường của Benomyl thông qua nghề nghiệp của mình trong thời gian mang thai thì ảnh hưởng đến sự hình thành của các dây thần kinh thị giác ở thai nhi.

Còn thuốc diệt nấm Tebuconazole được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Đồng thời, văn phòng cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng, Tebuconazole được liệt kê như là một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư với đánh giá thuộc loại C. Theo Tổ chức Y tế Thế giới phân loại độc tính, Tebuconazole được liệt kê thuộc độc tính nhóm 3. Do khả năng tác dụng phá vỡ nội tiết của   Tebuconazole, nên hóa chất này được xem xét loại bỏ ra khỏi thị trường châu Âu.

Duy Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang