Cấm uống rượu bia nơi công cộng: Liệu có khả thi?

author 06:21 28/09/2019

(VietQ.vn) - Nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật “Phòng chống tác hại của rượu bia” còn nhiều điểm bất hợp lý, không có tính khả thi.

Tại Tọa đàm về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” ngày 27/9/2019 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, pháp luật cho rằng, dự thảo có một số quy định chưa khả thi, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp- nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo và thương mại điện tử. Do vậy, cần điều chỉnh nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích kinh tế của nhà nước và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hướng tới môi trường sản xuất kinh doanh phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, chuyên gia kinh tế, pháp luật, đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về một số nội dung trong dự thảo để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng tích cực, khả thi.

Tọa đàm về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Nhiều bất cập cần điều chỉnh

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu-Nước giải khát Việt Nam nhận định, một số nội dung trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” cần được xem xét, điều chỉnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia là quá chặt chẽ và khó khả thi. Tại những địa điểm này, phần lớn những người chỉ dùng một hai lon bia để giải khát, khó có thể gây hại cho cộng đồng. Mặt khác với quy định này, các cơ quan quản lý sẽ khó có đủ lực lượng để xử lý người uống bia, rượu tại những địa điểm đó như quy định về xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xả rác ra đường... PGS.TS Nguyễn Văn Việt đề nghị tại các địa điểm này chỉ cấm tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự nơi công cộng.

Quy định các biển quảng cáo rượu/bia ngoài trời phải được đặt ở vị trí cách ít nhất 200m từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, điều dưỡng, nhà trẻ, cơ sở giải trí cho người dưới 18 tuổi, ngoại trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia là không khả thi do mật độ các cơ sở này trong thành phố cao. Do vậy, đề nghị sửa đổi thành “nên hạn chế các bảng quảng cáo ngoài trời trong phạm vi 100m từ khuôn viên trường giáo dục, điều dưỡng, nhà trẻ, cơ sở giải trí cho người dưới 18 tuổi”.

Về Quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Phúc- Giám đốc của Heineken Việt Nam cho rằng, yêu cầu các trang web thương mại điện tử phải có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn kết nối với các nền tảng trực tuyến khác là chưa phù hợp, không khả thi, bởi hầu hết các trang web thương mại điện tử bán bia cũng bán một loạt hàng hóa khác hoặc là thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Do đó, hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt sẽ không khả thi, hoặc sẽ dẫn đến việc các trang đó phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia. Quy định này trên thực tế giống như là một hình thức cấm bán bia bằng thương mại điện tử.

Điều này mâu thuẫn với Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã cho phép bán bia bằng thương mại điện tử theo các điều kiện tối thiểu nhất định; và mâu thuẫn với Chủ trương của Chính phủ: "Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện phát triển công nghệ 4.0 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”. Quy định hạn chế này tạo ra sự không công bằng đối với sản phẩm bia bởi vì bia không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và cũng không phải là sản phẩm cấm quảng cáo theo quy định của Luật quảng cáo- đại diện của Heineken Việt Nam nhấn mạnh.   

Về yêu cầu một hình thức chặn cửa sổ quảng cáo chỉ vì các trang điện tử đăng quảng cáo bia trong Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, quy định cấm này không thể áp dụng được vào thực tế. Nếu muốn kiểm soát quảng cáo trực tuyến thì nên thực hiện thông qua sửa đổi Luật Quảng cáo, không nên đưa vào Nghị định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia để quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến đối với bia dưới 5,5% độ cồn.

Tăng cường quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, cần tăng cường quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Hiện nay trên thị trường ước tính vẫn còn khoảng hơn 230 - 280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được (chưa cấp phép, chưa có đăng ký với chính quyền và có tới 74,3% người uống rượu sử dụng loại rượu này). Cũng theo Báo cáo Tình trạng sử dụng đồ uống có cồn năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có cồn không được kiểm soát chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam. Sản phẩm rượu này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách nhà nước, cụ thể: Theo báo cáo của công ty Nghiên cứu Eurmonitor (quy mô thị trường đồ uống có cồn năm 2015): Ước tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu USD/ năm (hơn10.000 tỷ đồng).

Mặt khác, các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động đều có nguyên nhân là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol.

Do vậy, Dự thảo Nghị định cần có những quy định cụ thể, khả thi phù hợp với thực tế hiện nay, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm hy vọng, cơ quan chức năng lắng nghe những đóng góp của các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, xem xét, điều chỉnh Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia”, nhằm tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang