Cần bãi bỏ quy định CSGT được quyền trưng dụng xe, tài sản

author 13:24 01/02/2016

(VietQ.vn) - Thông tin CSGT có quyền trưng dụng phương tiện giao thông, tài sản cá nhân đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT sẽ có hiệu lực từ ngày 15-2. Trong đó, việc quy định cho phép CSGT được “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển”, đồng thời “có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

trưng dụng phương tiện giao thông

Theo quy định cảnh sát giao thông có thể được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào trên đường trong trường hợp cấp bách, để phòng chống tội phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ảnh minh họa

Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, hệ thống pháp luật Việt Nam là một thể thống nhất gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành trên những nguyên tắc cụ thể. Trong đó, phân thành hai nhóm chính là các văn bản luật và các văn bản dưới luật.

Thông tư, Nghị định, Nghị quyết... là những văn bản dưới luật. Những văn bản này phải phù hợp với văn bản luật. Nếu mâu thuẫn với luật thì nội dung của văn bản dưới luật sẽ không có giá trị pháp lý và có thể bị hủy bỏ.

Theo khoản 6 Điều 5 của Thông tư 01/2016 do Bộ Công an ban hành, CSGT có quyền: “Trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, khoản 2, Điều 2, Luật trưng dụng tài sản năm 2008 lại quy định: "Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia."

Thẩm quyền trưng dụng tài sản được Luật trưng dụng tài sản quy định cụ thể tại Điều 24, như sau: "Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này".

Khoản 2, Điều 24 Luật trựng dụng tài sản cũng nhấn mạnh: "Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản".

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thẩm quyền trưng dụng tài sản thuộc về Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định thẩm quyền trưng dụng tài sản thuộc về CSGT là trái với quy định của luật - Văn bản dưới luật mâu thuẫn với văn bản luật. Vì vậy, quy định này không có hiệu lực và cần phải bị bãi bỏ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành". - Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.

luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp 

Về mặt trách nhiệm pháp lý, luật sư Cường cho rằng trưng mua, trưng dụng là các trường hợp hạn chế quyền sử dụng, sở hữu (quyền định đoạt) của chủ sở hữu tài sản.

Nhà nước quy định trong một số trường hợp thật đặc biệt thì mới áp dụng việc trưng mua, trưng dụng như: Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. (Điều 4 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản).

Khoản 3, Điều 4, Luật trưng dụng tài sản cũng quy định: "Việc trưng mua, trưng dụng tài sản được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này".

Quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng vắng mặt thì quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng. (Điều 25).

Theo luật sư Cường thì Điều 34 luật này cũng quy định cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản nếu tài sản trưng dụng bị mất hoặc bị hư hỏng. Nếu CSGT căn cứ vào Thông tư số 01/2016/TT-BCA để trưng dụng tài sản thì người bị trưng dụng tài sản cũng có thể căn cứ vào Điều 24, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản để khởi kiện người có hành vi trưng dụng tài sản theo quy định của luật tố tụng hành chính.

Khi đó, tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 24 và các quy định tại Chương III, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản để hủy bỏ quyết định trưng dụng tài sản của CSGT, đồng thời có thể chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu tài sản bị trưng dụng.

Thông tư số 01/2016/TT- BCA quy định CSGT có quyền trưng dụng tài sản "theo quy định pháp luật", nhưng không quy định rõ là theo luật nào, trong khi đó, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất rõ các trường hợp được trưng dụng tài sản; thẩm quyền trưng dụng tài sản; trình tự thủ tục trưng dụng tài sản. Vì vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc trưng dụng tài sản phải căn cứ vào quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chứ không thể căn cứ vào quy định tại Thông tư 01/2016 để áp dụng trên thực tế. Nếu CSGT căn cứ vào Thông tư này để trưng dụng tài sản của người tham gia giao thông thì nguy cơ bị kiện và thua kiện là rất cao.

V.Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang