Căn bệnh nan y nhất của giới doanh nhân

author 11:40 15/04/2013

(VietQ.vn) - Khi mang lấy cái nghiệp doanh nhân cũng đồng nghĩa phải sống chung với một số bệnh như stress, mất ngủ, đau đầu…Nhưng căn bệnh được gọi là “nan y” của giới doanh nhân phải kế đến là bệnh “nghiện làm việc”.

Cứ tưởng rằng chỉ lười làm việc mới sinh ra bệnh này tật nọ, nhưng hóa ra làm việc nhiều cũng sinh bệnh. Mà quả đúng thế thật, phàm khi cái gì đã “nghiện” tức là “dùng quá” thì đều đã bị bệnh cần phải được chữa trị.

Nghiện việc là căn bệnh phần lớn doanh nhân gặp phải.
Nghiện việc là căn bệnh phần lớn doanh nhân gặp phải.

Khi đã tham gia thương trường thì những thành công, thất bại và gánh trách nhiệm cũng trở nên trĩu nặng trên đôi vai mỗi một doanh nhân. Quyền lực càng cao thì áp lực công việc cũng gia tăng và dồn dập hơn khiến cho nhiều doanh nhân rơi vào bẫy của của căn bệnh “nghiện làm việc” không thể thoát ra và kèm theo đó là những hệ lụy do làm việc quá sức.

Mức độ nghiện việc của doanh nhân

Nhiều nghiên cứu cho thấy thời gian dồn sức cho công việc của doanh nhân (đặc biệt là các ông chủ doanh nghiệp) đôi lúc còn nhiều hơn nhân viên văn phòng, luôn ở mức 10 đến 12 tiếng mỗi ngày. Và sau khi đã đóng cánh cửa văn phòng, cũng không có nghĩa hết việc cho doanh nhân…Làm sao ngày mai phải kí kết được hợp đồng này? Làm sao có đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp? Làm sao cho cuộc sống nhân viên đỡ cực? Làm sao để có thời gian dành cho con nhiều hơn v..v…vẫn cứ bủa vây lấy cái đầu doanh nhân buộc họ lại suy nghĩ, phải lên kế hoạch, làm việc lại làm việc…

Nghiện việc như doanh nhân!

Một doanh nhân tại Hà Nội từng chia sẻ lịch làm việc quá sức của mình khi tham dự vài ba cuộc họp mỗi ngày, điện thoại réo liên tục chừng gần 300 cuộc trong vòng 24 giờ, ký những hợp đồng kinh tế từ trăm triệu đến con số hàng tỉ đồng, rồi những cuộc trao đổi trên bàn tiệc sau giờ làm cùng đối tác liên miên…

Một bác sĩ làm việc tại phòng khám bệnh Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) từng chia sẻ lượng doanh nhân khám bệnh hàng ngày tại bệnh viện chiếm đến 10-15%. “Họ có nhiều tác nhân thuận lợi để tạo bệnh như môi trường luôn căng thẳng, cạnh tranh, ít có thời gian luyện tập thể thao…Họ không ngại tốn kém về kinh phí mà sợ tốn kém về thời gian”.

Hậu quả dài lâu

Mới hay áp lực từ thương trường đã cuốn doanh nhân vào vòng xoáy của công việc. Và căn bệnh “nghiện làm việc” đã tìm đến với họ và mang theo những hậu quả mà những người trong cuộc cũng khó lường trước.


Cái đích không mong đợi...

Bênh nghiện việc tức là làm việc quá sức khiến doanh nhân dễ mắc bệnh. Biểu hiện ban đầu của căn bệnh này dễ thấy nhất ở doanh nhân là cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, năng suất làm việc giảm và sinh ra cáu gắt, nhầm lẫn…

Theo kết quả do Công ty Nghiên cứu và Kiểm toán Grant Thornton công bố năm 2010, doanh nhân Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hàng stress toàn thế giới, chỉ sau đồng nghiệp Trung Quốc và Mexico.

Có nhiều trường hợp doanh nhân quá say sưa với công việc, bỏ quên những sở thích vốn có trước đó, bất ngờ gặp một phản ứng sốc tâm lý, xung đột, va chạm trong công việc gây ra những thiệt hại kinh tế khiến cơ thể suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần và là tiền đề cho các bệnh khác phát triển như tăng huyết áp, đau loét dạ dày hoành tá tràng, tim mạch… Nhiều người cảm thấy đau tim nhưng khi đi khám và uống các loại thuốc điều trị tim mạch bệnh không hề thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng lên.

Trong những trường hợp này, các chuyên gia y tế cho biết đó là do hậu quả của chứng nghiện làm việc khiến cơ thể sinh bệnh. Khi đó cần phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc đặc trị về thần kinh chứ không thể chữa bệnh bằng phác đồ dành cho bệnh nhân tim...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo doanh nhân cũng như tất cả mọi người rằng cuộc sống con người không chỉ có làm việc. Bản thân con người cũng không phải là cái máy vĩnh cửu, vì vậy rất cần điều hoà hợp lý giữa làm việc, nghỉ ngơi, học tập, vui chơi giải trí, chăm lo cuộc sống gia đình và thoả mãn các nhu cầu cá nhân khác.

Riêng tôi, tôi rất tâm đắc với câu nói của ông Chu Dung Cơ với đại ý là “Tiền bạc rồi sẽ là của con cái, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình”. Hơn ai hết doanh nhân là những người nhận thức rõ điều này. Học cách “quản trị bản thân” mà quan trọng nhất là quản trị sức khỏe của mình là cách để tìm cho mình một lối sống mới, tràn đầy năng lượng và hứng thú hơn. Từ đó, từng ngày trôi qua mỗi người đều có thể tìm cho mình một niềm vui trong công việc.

Đoàn Loan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang