Cần biện pháp căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ dự báo để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

author 16:44 27/04/2021

(VietQ.vn) - Theo Chiến lược Phòng chống thiên tai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, việc phòng chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính trên cơ sở các biện pháp căn cơ, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Ngày 27/4/2021, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì hội nghị.

Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.

Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 03 người chết, 01 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, thời gian qua, công tác PCTT đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng thiên tai cơ bản ổn định.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTT còn tồn tại những hạn chế như: nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời.

Mặt khác, công tác tập huấn đối với lực lượng làm công tác PCTT và việc phổ biến kiến thức cho người dân ở khu vực chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng PCTT thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chiến lược công tác phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ, công tác PCTT gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính.

Quản lý, phòng ngừa rủi ro theo lưu vực, liên vùng, liên ngành. Lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Việc  phòng chống thiên tai dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống, tăng cường dự báo, cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Trước diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường của thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở các khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, công tác phòng chống thiên tai cần phải có các biện pháp căn cơ trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ dự báo để giảm thiểu thiệt hại tối đa do thiên tai gây ra. 

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang