Cán bộ ‘lười’ đi kiểm tra và ‘nỗi đau’ của Bí thư Hà Nội

author 20:56 23/06/2017

(VietQ.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có những phát biểu hết sức thẳng thắn trước tình trạng cán bộ quận, huyện ngồi trong phòng, không đi kiểm tra tình hình vi phạm. Ông nói "những việc đấy là đau lắm".

Ngày 23/6, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2017 quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; bàn về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn với đất; tình hình công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, nhờ sự chỉ đạo sâu sát và sự tham gia tích cực của các đoàn thể nhân dân, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị đã có nhiều chuyển biến rõ nét; nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân đã thay đổi; việc gìn giữ trật tự đô thị, văn minh đô thị đã dần đi vào nền nếp, đặc biệt là trong việc lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Qua 12 tháng thực hiện, tình hình đã có chuyển biến, tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện giảm, các bục bệ vi phạm vỉa hè, lòng đường được tháo dỡ…

Tuy nhiên, Thiếu tướng Khương nhận định tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục; tình trạng bán hàng rong chưa được giải quyết; hoạt động trông giữ xe, vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường chưa xử lý triệt để, một bộ phận người dân có nhà mặt phố chưa thông cảm, hợp tác với việc gìn giữ vệ sinh, văn minh đô thị, thậm chí có hành vi chống đối, điển hình là vụ hành hung một nữ công nhân môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như vẫn có tình trạng buông lỏng quản lý, cán bộ quận, huyện, xã, phường ngồi trong phòng, không đi kiểm tra, xử lí.

Đề cập tới các đoàn kiểm tra của thành phố và quận, Bí thư Thành ủy nói ông chưa thấy đề xuất kỷ luật ai. Bí thư cho rằng như vậy là không được.

"Các đồng chí muốn văn minh đô thị thành nề nếp, văn hóa, thì phải kiên quyết xử lý, nếu không hôm sau lại đầu voi đuôi chuột. Rồi đến mấy năm nữa lại đợi ông Bí thư mới về làm phong trào mới. Tôi nói những việc đấy là đau lắm các đồng chí, ngay ở Thủ đô không thể chấp nhận được", Bí thư Hoàng Trung Hải nói và đề nghị các cấp các ngành của thành phố phải kiên quyết làm công việc này.

Hà Nội: Ô nhiễm môi trường ở mức báo động

Về vấn đề môi trường, Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang ở mức độ báo động, cấp bách.

Theo kết quả quan trắc trong 3 tháng đầu năm nay thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Thành phố là 123, nằm trong phạm vi cảnh báo. Nồng độ bụi PM2.5 gấp 2 lần quy chuẩn quốc gia cũng như cao hơn chỉ số hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới. Trong nồng độ bụi thì 50% là bụi các-bon đen và benzen, chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch sinh ra từ các phương tiện giao thông. Trong khi hiện nay, Hà Nội đang có khoảng 5,2 triệu xe máy, 470 nghìn ô tô; đến 2020 dự kiến lên trên 6,5 triệu xe máy, khoảng 600-700 nghìn ô tô và đến 2030 lên đến 7,5-8 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô. "Như vậy thì khả năng môi trường không gánh chịu nổi nếu không có giải pháp hiệu quả và quyết liệt", Bí thư Thành ủy cảnh báo.

ô nhiễm ở hà nội

Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đang ở mức đáng báo động

Cùng với đó, hiện tốc độ đăng ký và phát triển các khu, cụm công nghiệp của Thành phố cũng tăng nhanh nên dự báo sẽ "đóng góp" vào ô nhiễm môi trường thành phố nếu không có sự quản lý quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu. "Vừa giải quyết tồn tại của các khu, cụm công nghiệp cũ nhưng cũng phải đảm bảo các khu mới đưa vào phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì thế hệ sau lại phải gánh. Chúng ta đưa được công trình mới vào thì vỗ tay hoan hô nhưng thực tế lại tạo gánh nặng cho tương lai", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thẳng thắn chỉ rõ.

Để giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ông Hải cho biết thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân và tới đây sẽ trình HĐND TP. Theo Bí thư Thành ủy, các phương tiện giao thông "đóng góp" từ 70-90% ô nhiễm môi trường của Thành phố. Cùng với đó, phải quản lý thật chặt các công trường xây dựng, kể cả xe ra vào để hạn chế phát sinh bụi trong không khí.

Ông Hải đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố cần phân công rõ trách nhiệm, tránh sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, dần dần tạo thành nếp văn hóa ứng xử trong bảo vệ môi trường.

VIẾT CƯỜNG

Bí thư thành ủy Đinh La Thăng chắc có rất nhiều người ghét!(VietQ.vn) - Từ việc đề nghị cách chức một số cán bộ làm ăn “lôm côm” đến vụ hạn chế dạy thêm, học thêm,… Bí thư Đinh La Thăng chắc chắn đang có nhiều người ghét.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang