Cán bộ Trung tâm KH Quảng Ninh: “Yêu nghề, khó khăn cũng không bỏ được!”

author 06:49 22/11/2014

(VietQ.vn) - Sau nhiều lần “thay tên, đổi họ” nhưng “tuổi” của Trung tâm khoa học và sản xuất lâm, nông nghiệp Quảng Ninh (từ đây gọi tắt là Trung tâm) thì…chỉ ngày một tăng lên. Và Trung tâm đã trở thành một trong những địa chỉ hiếm của ngành nông nghiệp Quảng Ninh vừa nghiên cứu, vừa gắn liền với ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực.

Được thành lập từ năm 1958 với vai trò là Điểm thí nghiệm Lâm sinh thuộc Học viện Nông lâm Hà Nội. Trải qua 56 năm tồn tại và phát triển rồi đổi tên một số lần, đến năm 2008 Trung tâm được UBND tỉnh Quảng Ninh đặt lại tên gọi như ngày nay. Trung tâm có chức năng chính là: nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm, chọn tạo nhân giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất lâm, nông nghiệp. Nhiệm vụ chính là nghiên cứu thực nghiệm KHKT vào sản xuất; Tư vấn về KHCN trong lĩnh vực sản xuất lâm, nông nghiệp; Dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KHCN; Nghiên cứu, trao đổi KHCN với đối tác trong và ngoài nước và thực hiện một số hoạt động sản xuất, dịch vụ khác có liên quan đến ngành nghề.

ứng dụng khoa học công nghệ vào nông, lâm nghiệp

Trong vườn ươm nuôi cấy mô Trung tâm KH và SX  lâm, nông nghiệp Quảng Ninh 

Phải kể dài như vậy vì chúng tôi đã nhiều lần đến Trung tâm với nhiều “mùa” khác nhau, song có lẽ mùa này là “trái mùa” nhất khi mà anh chị em cán bộ, kỹ sư và công nhân Trung tâm đang lặng lẽ với những công việc cắt tỉa, chăm sóc cây giống của mình. Anh Nguyễn Thái Duy, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính kiêm Chủ tịch Công đoàn vừa dẫn chúng tôi thăm các vườn ươm, vườn nuôi cấy mô của Trung tâm, vừa trò chuyện khái quát về tình hình hiện nay của Trung tâm.

Trung tâm hiện có 22 viên chức sự nghiệp và 98 hợp đồng lao động. “Số lao động này hiện nay là ổn định, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở Trung tâm”, anh Duy nói.

Anh Duy cũng chia sẻ thêm về tình hình xây dựng Đề án tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm và cho tôi xem cả tập Đề án. Duy chia sẻ: “Khi nghe bàn đến chuyện này, anh em trong cơ quan cũng nhiều tâm trạng lắm. Trung tâm giữ chân được người lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn cao chính là hai chữ “viên chức” của Trung tâm”.

Trò chuyện thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Doanh Giám đốc Trung tâm cho hay, “đã có một số viên chức là kỹ sư có nghề xin thôi việc hoặc chuyển đi nơi khác, một số người lao động hợp đồng lâu năm, đang phấn đấu để trở thành viên chức cũng bị nản lòng.” Hiện tại, trung tâm vẫn đang tuyên truyền, vận động anh chị em tiếp tục vượt khó, thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2014. Trước mắt là tích cực chăm sóc vườn lan hồ điệp với trên 70.000 cây sẽ cho hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Bà Trần Thị Doanh nói: “Đứng đầu Trung tâm hiện nay vẫn là đội ngũ cán bộ nuôi cấy mô với việc nhân các loại giống bạch đàn, keo tai tượng, cây dược liệu cung cấp nguồn giống cây ra thị trường. Tiếp đến là đội thực nghiệm ứng dụng “đưa” cây ra ngoài khỏi “ống thủy tinh”, cây sống được, được người dân chấp nhận thì mới mang được nguồn thu về cho người lao động”.

Trung tâm khoa học và sản xuất lâm, nông nghiệp Quảng Ninh

Kiểm tra, chăm sóc vườn hoa lan tại Trung tâm 

Được biết, không chỉ hướng dẫn thực nghiệm đối với các dự án, mô hình lâm, nông nghiệp trong tỉnh, cán bộ kỹ thuật cao của Trung tâm còn đến nhiều tỉnh bạn thực hiện chuyển giao tiến bộ KHCN theo đơn đặt hàng như: Công ty Lâm nghiệp Lục Ngạn, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn (Bắc Giang); Lâm trường Sông Mã (Sơn La); Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc (Nghệ An)…

Công việc thì nhiều nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy ngay sản phẩm, đó là một trong những đặc thù của nghề nghiên cứu khoa học ở đây. Ví dụ như đề tài “Thu thập, lưu giữ và phát triển một số loài lan quý của Quảng Ninh”  đang được triển khai, được Sở KHCN nhiệm thu và được Bộ NN&PTNT chi 1,6 tỉ đồng cho mô hình này nhưng hiện nay “sản phẩm” thì đang thực hiện nên chưa thể  “rực rỡ ngàn hoa” ngay được. Tuy nhiên, đây là một trong những chức năng chính của Trung tâm, không thể bỏ giữa chừng cũng không thể “nhờ” người khác làm hộ, làm thay được. Giữ và bảo tồn được những giống lan Hoàng vũ, Phi điệp tím, Đai châu, Hài gấm, Hài vệ nữ, Hoàng thảo… là kết quả công sức của nhiều cán bộ kỹ thuật yêu mến và trách nhiệm với công việc của mình, cứ đi đến đâu thấy giống hoa lan quý là chỉ muốn “bảo tồn và phát huy” cây giống.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân của Trung tâm đã chọn nơi đây (thuộc phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) sinh con, đẻ cái và lập nghiệp. Trước những khó khăn trước mắt, tập thể Trung tâm vẫn đang tiếp tục khẳng định “sự tồn tại” của mình để không bị “loại bỏ” khỏi thị trường, tất cả vì người lao động, vì những người đã trót “vận” nghề rừng, nghề nghiên cứu và ứng dụng sản xuất lâm, nông nghiệp vào thân. 

Hữu Bình - Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang