“Cần câu” của nông dân bị sâu bệnh làm hại

author 15:29 13/03/2014

(VietQ.vn) – Các vườn cây thanh long gần đây bị sâu bệnh làm hại, khiến nông dân như “ngồi trên lửa” vì lo lắng.

“Cần câu” bị sâu phá

Thanh long là một trong những cây ăn quả dễ trồng, là cây xuất khẩu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác cho nhiều vùng sản xuất ở nước ta. Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 30.000 ha được trồng tập trung chủ yếu ở Bình Thuận với diện tích khoảng trên 20.000 ha, ở Long An có trên 3.200 ha, ở Tiền Giang có khoảng 3.000 ha và rải rác ở một số tỉnh khác.

Nhiều vườn cây thanh long bị sâu bệnh hại

Nhiều vườn cây thanh long bị sâu bệnh hại

Những năm gần đây cây thanh long bị nhiều đối tượng dịch hại gây hại như bệnh thán thư, thối quả, thối cành và đặc biệt là bệnh đốm trắng, sùng đục gốc, bọ cánh cứng đục quả… gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng quả, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đến nay, chưa có nghiên cứu về sâu bệnh hại nói chung, nhất là các nghiên cứu chuyên sâu về bệnh đốm trắng, chưa có giải pháp quản lý bệnh hiệu quả.

Bệnh ngày càng nặng, lây lan ngày càng rộng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu nông dân trồng thanh long.  Nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, sản xuất và xuất khẩu thanh long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí không hiệu quả và người dân lại chặt bỏ thanh long như với nhiều cây trồng khác.

Hiện nay 2 tỉnh là Bình Thuận và Long An đã có các văn bản yêu cầu các Bộ và cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Bệnh đốm trắng thanh long diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng, phát triển mạnh vào mùa mưa. Ở một số vườn thanh long mới trồng, bệnh đốm trắng đã xuất hiện trên cành với tỷ lệ bệnh dao động từ 1-5%. Trên một số vườn thanh long kinh doanh, bệnh nặng hơn với tỷ lệ bệnh dao động từ 10-50%.

Bệnh phát triển mạnh trên cành non và trên quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Nếu không bị bệnh, trọng lượng quả đạt ≥600g/quả, đạt tiêu chuẩn loại 1 có giá bán khoảng 15.000đ/kg; lợi nhuận thu được khoảng 200.000.000 đ/ha/lứa. Nếu như quả bị bệnh, hoặc trọng lượng quả <500 g/quả, không đạt tiêu chuẩn loại 1, giá bán rất thấp chỉ đạt 3.000-5.000 đ/kg; dẫn đến thua lỗ lên đến 40.000.000 đ/ha/lứa.

Theo kết quả điều tra gần đây nhất của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy: Bên cạnh sự xâm nhiễm của bệnh đốm trắng thì các loại bệnh khác đã cùng hiện diện và gây hại như bệnh thán thư, bệnh thối vi khuẩn...Chính việc thâm canh quá mức, bón phân và sử dụng thuốc hóa học quá nhiều để bảo vệ quả và vườn quả đã và sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát sinh và gây hại của nhiều loài dịch hại khác và tình hình dịch hại ngày càng khó kiểm soát.

Cần hành động khẩn trương

Hiện nay đã có Quy trình quy trình tạm thời phòng chống bệnh đốm trắng thanh long do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất, tuy nhiên bệnh vẫn chưa được khống chế. Theo các nhà khoa học, đó là  vì đã tỉa bộ phận bị bệnh, hoa, lặt râu… nhưng vứt bừa bãi trên đồng, bờ mương, không tiêu hủy. Vô hình dung tạo điều kiện cho bệnh có điều kiện lây lan và phát sinh rộng hơn. Không có chỗ để chôn lấp, cành thanh long già khó tiêu hủy, mang mầm mống nhiều loại bệnh…

Việc phun thuốc, thay thuốc liên tục vào mùa mưa cứ 3,5 hoặc 7 ngày phun thuốc một lần từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, có nơi phun cả mùa khô, phun lên cây, cành mang quả và quả bằng nhiều các loại thuốc như: Benomyl, Rhidomil Gold, Topxin, MAP Hero, Bộ 3 Cát Tường,… trộn với chất kích thích sinh trưởng.

Hiện cũng chưa có cơ sở khoa học về nguyên nhân bùng phát bệnh, dịch tễ học của bệnh, quan hệ của bệnh đốm trắng với các loài sâu và bệnh khác, khả năng sinh trưởng phát triển của cây thanh long…thì bệnh vẫn sẽ phát sinh và gây hại trên diện rộng khi mùa mưa đang đến cận kề.

Vì thế, các nhà khoa học mong muốn cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và giải pháp quản lý hiệu quả bệnh đốm trắng nói riêng, các sâu bệnh quan trọng khác trên thanh long nói chung, giúp các vùng trồng thanh long xuất khẩu của cả nước ngăn chặn được dịch hại, ổn định sản xuất, sản xuất hiệu quả, tăng khả năng xuất khẩu

Muốn vậy, cần đầu tư cho cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ tìm nguyên nhân và giải pháp phòng chống nhanh chóng.

Mai Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang