Cần chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi kinh doanh thép giả mạo nhãn hiệu

author 18:40 22/09/2020

(VietQ.vn) - Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa là 30 cây thép hộp mạ kẽm giả mạo các nhãn hiệu Hòa Phát, Việt Đức đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh thép hộp giả mạo các nhãn hiệu Hòa Phát, Việt Đức đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, cơ sở bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm trị giá 20,5 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ kinh doanh thời hạn 1 tháng đối với các mặt hàng vi phạm.

Lực lượng chức năng phát hiện thép hộp giả mạo thương hiệu Hòa Phát. Ảnh: ĐVCC.  

Trước đó vào ngày 11, 12/9/2020, theo nội dung đơn đề nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, địa chỉ Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VGPIPE, địa chỉ Khu công nghiệp Bình Xuyên, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Nam Sơn Thịnh, có địa chỉ thôn Hiển Lể, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Qua quá trình kiểm tra tại cơ sở, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa là 30 cây thép hộp mạ kẽm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Hòa Phát, Việt Đức đã được bảo hộ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hàng hóa để xác minh làm rõ. Sau khi chứng minh hành vi vi phạm của sơ sở kinh doanh hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số 6 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc xử phạt theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hành vi giả mạo nhãn hiệu, Bộ công thương cảnh báo, hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Trước những diễn biến nêu trên, các chuyên gia kinh tế nhận định, cần phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm nhằm đem đến môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

EC tiếp tục áp thuế tự vệ với 4 nhóm sản phẩm thép Việt Nam(VietQ.vn) - EC sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan (TRQ) và áp thuế 25% ngoài hạn ngạch, đồng thời đưa ra một số điều chỉnh trong việc áp dụng biện pháp tự vệ.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang