Chuẩn hóa quy trình trong chạy thận nhân tạo để không xảy ra tai biến

author 06:50 22/06/2017

(VietQ.vn) - Theo nhiều bác sĩ, chạy thận nhân tạo có thể xảy ra nhiều sai sót, dẫn đến những nguy cơ không an toàn cho người bệnh. Vì vậy cần có những quy trình được chuẩn hóa.

Sau biến chứng chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong ở tỉnh Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác kiểm tra bảo đảm an toàn, tránh biến chứng cho 3.000 bệnh nhân đang phải chạy thận trên địa bàn.

Các bác sĩ đầu ngành cho biết, chạy thận nhân tạo có nguy cơ cao gây rủi ro cho bệnh nhân. Đó là những sai sót về thuốc, đặc biệt sai liều heparin; do nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn từ môi trường và trang thiết bị, catheter (đặt ống thông), nguồn nước, dịch lọc; sự cố trong truyền máu, tắc nghẽn mạch do khí, những sự cố từ trang thiết bị, máy móc bị lỗi và một số biến chứng như tụt huyết áp, chuột rút, suy tim, phù phổi.

Các bác sĩ đưa ra dẫn chứng từ một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết liên quan đến việc đặt ống thông ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo trung bình tăng thời gian nằm viện lên 11 ngày, chi phí tăng gần 23.000 USD mỗi ca. Nếu bệnh nhân chạy thận có đặt CVC sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết và tử vong từ 15 đến 33 lần.

Cần chuẩn hóa quy trình trong chạy thận nhân tạo để không xảy ra tai biến. Ảnh minh họa

Trong các nguyên nhân gây nên tai biến khi chạy thận nhân tạo thì nguy hiểm nhất và có thể phòng ngừa được là nhiễm khuẩn. Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 34% bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải nhập viện điều trị là do nhiễm khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tai biến sau các biến chứng về tim mạch. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu bệnh nhân chạy thận có đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết và tử vong từ 15 đến 33 lần.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Anh Thư cho rằng, muốn hạn chế tai biến trong chạy thận nhân tạo thì các bệnh viện cần thực hiện đồng bộ 3 giải pháp cùng lúc là quản lý về hành chính, trong đó chú trọng đào tạo nhân sự; kiểm soát về môi trường và thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc điều trị.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận Nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong tại Hòa Bình, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chuẩn hóa quy trình và phổ biến, tập huấn để các bệnh viện khu vực phía Nam cùng thực hiện, trong khi đang chờ đợi bộ tiêu chuẩn cho chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế.

Cụ thể, các bệnh viện cần thực hiện đúng quy trình sát trùng máy, quy trình chăm sóc bệnh nhân, đặt ống thông mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang áp dụng nhằm hạn chế những tai biến y khoa. Bác sĩ Tuấn nói: “Vấn đề máy móc, trang thiết bị chiếm tỷ lệ thành công rất lớn, hệ thống xử lý nước tốt, quản lý tốt, chất lượng tốt, máy thận nhân tạo tốt, cách rửa màn tốt thì sẽ làm cho bệnh nhân càng khỏe hơn, bệnh nhân chạy thận sẽ an toàn hơn”.

PV (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang