Cần có cơ chế riêng để thu hút người tài

author 10:44 09/05/2014

(VietQ.vn) - Ai cũng biết rằng muốn phát triển được KH&CN phải có con người, nhưng thực tế các đơn vị nghiên cứu hiện nay rất khó để thu hút những người trẻ dấn thân vào con đường khoa học. PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS- TS. Trần Đình Hòa- Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về vấn đề này.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Như ông đã biết, ngày KH&CN Việt Nam 18/5 lần đầu tiên được tổ chức trong năm nay. Với tư cách là nhà khoa học trẻ, ông có có thể chia sẻ những suy nghĩ, cũng như cảm nhận của mình về ngày này?

Mỗi cơ quan, mỗi ngành đều có một ngày truyền thống riêng. Nhưng ngày truyền thống của một ngành được quy định rõ trong một bộ luật, thống nhất trong toàn quốc mang tầm quốc gia là một niềm vinh dự, là một sự ghi nhận lớn của Đảng và Nhà Nước.

GS- TS. Trần Đình Hòa- Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Điều này khẳng định một cách mạnh mẽ tầm quan trọng cũng như những đóng góp của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Bản thân tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi và hy vọng trong thời gian tới những sự quan tâm đầu tư của nhà nước cũng như những đóng góp của KH&CN cho thực tế sản xuất sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Hiện nay, Viện ông có gặp khó khăn gì trong hoạt động nghiên cứu và phát triển hay không? Cụ thể như là việc bố trí ngân sách cho các đề tài của Viện chẳng hạn? Đã có trường hợp nào khi đề tài/dự án của Viện xây dựng mà không thể triển khai do chậm ngân sách không?

Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ có viện KHTL VN mà tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) đều gặp khó khăn. Kinh phí bố trí cho các đề tài bị giảm sút, tiến độ thực hiện nhiều đề tài NC đã bị ảnh hưởng do tiến độ giải ngân bị chậm. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện đề tài, giảm tính thời sự của vấn đề nghiên cứu.

Tuy nhiên, chúng tôi đã rất cố gắng để triển khai, cho đến nay, chưa có trường hợp nào phải dừng thực hiện đề tài nghiên cứu. Nhìn chung, đây là tình hình khó khăn chung của nhiều tổ chức KH&CN chứ không chỉ riêng viện chúng tôi.

Ai cũng biết rằng muốn phát triển được KH&CN phải có con người, nhưng thực tế các đơn vị nghiên cứu hiện nay rất khó để thu hút những người trẻ dấn thân vào con đường khoa học. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng cách khắc phục thì mỗi nơi mỗi khác. Riêng Viện Thủy lợi đã có những biện pháp gì để thu hút những người trẻ vào nghiên cứu?

Đây là một vấn đề rất lớn đối với đất nước, chứ không phải chỉ riêng đối với ngành Thủy lợi.

Trước khi nói đến việc thu hút nguồn cán bộ trẻ phục vụ cho công tác NCKH, tôi muốn chúng ta phải nhìn nhận lại 1 phần của các nguyên nhân. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế buồn là ngày càng có ít bạn trẻ dấn thân vào con đường NCKH. Ngay cả những người công tác tại các tổ chức KH&CN cũng chưa hẳn là những người đã dấn thân vào công tác NCKH thật sự.

Vì vậy, song song với việc thu hút (và đào tạo) nguồn cán bộ NCKH, chúng ta cũng phải đồng thời tiến hành phân hóa, sàng lọc và sắp xếp, bố trí hợp lý một phần lớn các cán bộ có tố chất và phẩm chất khác một cách hài hòa – đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng không thể không thực hiện. Trong bối cảnh đó, theo quan điểm của riêng tôi (trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng), để thu hút nguồn cán bộ NCKH trẻ, chúng ta phải tạo điều kiện và môi trường làm việc cởi mở, giúp cho các em được tự do phát huy tính sáng tạo của mình trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, chúng ta phải xây dựng (tạo dựng) niềm đam mê, tâm huyết và trách nhiệm với nghề thông qua việc đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Chính việc thông qua các hoạt động thực tiễn này vừa giúp các cán bộ KH trẻ nâng cao trình độ chuyên môn (kinh nghiệm và trải nghiệm) vừa tạo dựng cho họ một các nhìn, một sự phấn khích, hứng thú khi chính kết quả nghiên cứu của mình đã góp phần vào xây dựng và phát triển xã hội.

Gian hàng trưng bày sản phẩm ứng dụng KH&CN của Viện.

Nếu chúng ta làm được những điều đó, thì mặc dù chế độ đãi ngộ chưa phải quá cao cũng có thể giữ chân được các nhà khoa học trẻ. Tất nhiên những người này cần có những mức lương không bị quá thấp để họ có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào hoạt động nghiên cứu, đồng thời được xã hội tôn trọng. Nếu để thu nhập của một nhà nghiên cứu trẻ thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của một nhân viên bàn giấy tại ngân hàng hay doanh nghiệp tư nhân, khiến họ không được gia đình, bạn bè coi trọng và buộc phải làm thêm quá sức để có thể sinh tồn thì khó mà hy vọng sản sinh ra được một tầng lớp các nhà khoa nhà khoa học chất lượng cao được. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm: Lương thưởng cũng rất quan trọng, nhưng nhiều khi sự tôn trọng, trân trọng và sự tạo điều kiện, tạo cơ hội một cách rõ ràng minh bạch còn quan trọng hơn đối với thế hệ trẻ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với lao động sáng tạo, trong đó có chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng, sắp xếp và bố trí công việc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng đưa ra những chính sách nhằm chuẩn hóa công tác cán bộ, tuy nhiên việc tuyển dụng và bố trí cán bộ vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định làm lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Như trên tôi đã nêu ra, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là ngay cả những người công tác tại các tổ chức KH&CN cũng chưa hẳn là những nhà NCKH thật sự.

Và trong các đơn vị hành chính sự nghiệp điều này càng được thấy rõ. Mặc dù vậy, theo tôi những ai đã theo đuổi công tác NCKH thì nên được áp dụng chính sách như đối với người làm công tác KH, những ai là nhà KH nhưng làm công tác quản lý thì nên được áp dụng chế độ chính sách như đối với cán bộ quản lý. Chỉ duy nhất còn lại đối tượng tham gia cả 2 công việc thì đúng là chúng ta chưa có được 1 chính sách hợp lý. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần có các văn bản quy định rõ hơn các tiêu chuẩn lãnh đạo và quản lý, theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

Luật KH&CN sửa đổi được ban hành 1/1/ 2014 đã có nhiều đổi mới đột phá với những chính sách thay đổi về cơ chế đầu tư tài chính cũng như ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Theo ông, các chính sách này đã thực sự đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học nước ta hay chưa? Cụ thể tại Viện Thủy Lợi đã triển khai thực hiện Luật như thế nào?

Trong những năm trước đây, như chúng ta đã thấy việc quản lý cũng như hoạt động, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghiên cứu nói chung và sản phẩm khoa học nói riêng.  Đơn cử như khi thực hiện các đề tài khoa học đã xảy ra tình trạng hợp thức hóa các chứng từ giữa người làm khoa học với cơ quan quản lý. Việc phải nghĩ ra các cách thức tạo chứng từ cho hợp lý mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghiên cứu và tinh thần và thái độ của cán bộ nghiên cứu (nhất là đối với các nhà khoa học chân chính).

Bên cạnh việc “chảy máu chất xám” một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay là “rò rỉ” chất xám của các nhà khoa học. Nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm, trí tuệ nhưng không dành hết được thời gian cho việc toàn tâm toàn ý làm khoa học mà lại phải làm những sự vụ không dính dáng gì đến chuyên môn, khoa học. Ngoài ra, nhiều vấn đề bất cập khác như tổ chức đề xuất, xét chọn, tuyển chọn, đánh gia đề tài…

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách cho KH&CN mang tính đột phá lớn (Nghị quyết 20/NQ-TW, Luật KH&CN 2013, chiến lược KH&CN 2011-2020...). Đây là những cơ sở, động lực lớn để KHCN có thể chuyển mình một cách mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Bản thân tôi cũng hi vọng trong thời gian tới với sự ra đời của luật KHCN sẽ “cởi trói” và tạo động lực lớn cho các nhà KH có được nhiều cơ hội và thuận lợi hơn trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để những chính sách chủ trương đó chuyển hóa thành các kết quả cụ thể, rất cần Chính Phủ và các Bộ Nghành liên quan nhanh chóng kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn triển khai thật sự đi vào cuộc sống. Nghị quyết, Nghị định và luật KHCN là những văn kiện hết sức đúng đắn và đang lấy lại được lòng tin, động lực cho các nhà KH, nhưng để những chính sách nói trên thật sự đi vào cuộc sống không phải là vấn đề đơn giản. Về mặt quản lý nhà nước, nó cần có sự đồng thuận và đồng bộ giữa các Bộ, Ngành liên quan; về triển khai thực hiện rất cần có sự tham gia trực tiếp của các nhà KH vào quá trình ban hành các thông tư, hướng dẫn thực hiện. Nếu không, các chính sách đúng đắn lại bị xa rời thực tiễn. Hiện tại, Viện KH Thủy Lợi Việt Nam đã bám sát vào luật KHCN và mong muốn sớm có những văn bản cụ thể, chi tiết hơn để có cơ sở thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Duy Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang