Cần có những ngành 'đột phá' tăng năng suất lao động

author 06:54 21/12/2018

(VietQ.vn) - Theo đánh giá của các chuyên gia, năng suất chính là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp bách

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 30 năm qua. Tuy nhiên, tính bền vững của nền kinh tế thị trường hiện vẫn đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của những nhà hoạch định chính sách.

Một điều đáng lo ngại hơn là tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng năng suất nông nghiệp (ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế) không cao. Cùng với đó là tình trạng kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và sự thiếu đồng bộ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Ông Lộc dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, những cải cách về thể chế hiện chưa bắt kịp với nhịp độ cải cách về kinh tế. Những khoảng cách trong chất lượng thể chế bao gồm: Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, bộ máy kém hiệu quả và tham nhũng đã cản trở việc thực hiện chính sách nhằm giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế của Việt Nam.

Đứng trước thực trạng trên, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, VCCI đã được Hội đồng Lý luận Trung ương giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” với mục tiêu góp phần bổ sung về mặt lý luận đồng thời đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trình bày sơ bộ về kết quả nghiên cứu đề tài về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Hán Hiển

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài các nhà khoa học ở VCCI, Ban chủ nhiệm đề tài còn tập hợp được đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu đến từ các viện, bộ, ngành, tổ chức quốc tế. Kết quả của sự hợp tác này là những công trình nghiên cứu sâu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong đó, có đề cập sâu rộng tới thực trạng và những khuyến nghị đối với việc nâng cao năng suất tại Việt Nam.

Giới thiệu khái quát kết quả nghiên cứu đề tài nêu trên, TS Vũ Tiến Lộc cho biết nghiên cứu này đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN và xác định những cản trở có thể có đối với sự phát triển của đất nước. Nghiên cứu cũng vạch ra lộ trình chính sách rõ ràng với những khuyến nghị cụ thể đối với Việt Nam để bước vào con đường tăng trưởng nhanh và bền vững qua đó cho phép Việt Nam bắt kịp với ASEAN vào năm 2040.

Cùng chia sẻ về vấn đề nâng cao năng lực cạnh trạnh cho nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế này, cạnh tranh là một đặc trưng cơ bản, là động lực để thúc đẩy các chủ thể kinh tế không ngừng vươn lên

“Nâng cao năng lực cạnh tranh luôn là mục tiêu đối với mỗi quốc gia nói chung và mỗi doanh nghiệp, sản phẩm trong một quốc gia nói riêng. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tích cực hội nhập với kinh tế thế giới.

Trong quá trình này, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong khu vực, trên thế giới. Và vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng để chúng ta đứng vững, phát triển trước những khó khăn của thời kỳ hội nhập”, PGS TS Nguyễn Văn Thạo cho hay.

Cũng theo vị này, trong quá trình tìm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vấn đề năng cao năng suất cho nền kính tế là một vấn đề mang tính quan trọng hàng đầu. Năng suất phải được coi là yếu tố cốt lõi của việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cần nhìn rõ những ‘yếu điểm’ về năng suất của Việt Nam

Theo GS.TS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản), muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết phải nắm rõ những điểm còn yếu trong năng suất của nền kinh tế Việt Nam

Cũng theo vị chuyên gia này, từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất của Việt Nam đã ở mức vừa phải trên ba khía cạnh về TFP (năng suất nhân tố tổng hợp), năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tăng từ 3-4%/năm lên mức 6%. Tuy nhiên, nhìn chung, mức tăng năng suất vẫn còn thấp, mức độ chuyển dịch lao động chưa thực sự hợp lý. Kèm theo đó là sự yếu kém về năng lực của nhiều doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về điều này, ông Ohno cho rằng trong những năm qua, chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều hợp tác chặt chẽ về kinh tế, trong đó có cả những trao đổi về giải pháp nâng cao năng suất. Nhưng trên thực tế, một số biện pháp tăng năng suất như 5S và Kaizen quy mô ứng dụng còn khá nhỏ, chưa thực sự lan tỏa ở cấp độ quốc gia.

GS.TS Kenichi Ohno cho rằng Việt Nam phải đặt mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động bền vững từ 7-8% mỗi năm. Ảnh: Hán Hiển

GS.TS Kenichi Ohno cho rằng, để thúc đẩy tăng tưởng năng suất, Việt Nam cần có chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành hợp lý thay vì việc cứ tập trung vào cải thiện hiệu quả từng ngành (nguồn gốc của phần lớn tăng trưởng năng suất trong quá khứ). Đồng thời, cần đặt ra mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt tới mức thu nhập cao trong tương lai.

“Việt Nam phải đặt mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động bền vững từ 7-8% mỗi năm. Bên cạnh công nghiệp, năng suất các ngành nông nghiệp và dịch vụ cũng cần phải có bước đột phá”, ông Ohno nói.

Ông Kenichi Ohno nói thêm, về lâu dài, cần tạo ra sự liên kết giữa kết quả của hai quá trình: thu hút FDI chuyển giao kỹ năng, công nghệ và việc nâng cao năng lực lao động khu vực doanh nghiệp nói riêng, trong nước nói chung.

Cuối cùng, Phong trào Năng suất Quốc gia nên được thực hiện trong ít nhất vài năm với các mục tiêu rõ ràng, các hành động thường xuyên, tích cực. Đảng, Chính phủ và cộng đồng nên có những thống nhất, cùng nhau phối hợp, nghiên cứu các giải pháp để tạo tính tăng trưởng, tính bền vững của năng suất.

Hán Hiển

Tăng năng suất và cải thiệt chất lượng là bài giải cho nền nông nghiệp phát triểnNhững năm gần đây, câu chuyện giải cứu nông sản Việt vẫn luôn tái diễn như một “điệp khúc” gây ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân và các doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp Việt Nam phải lọt vào top 10 thế giới, nông sản Việt cần phải làm gì, cải thiện chất lượng ra sao vẫn đang là một bài toán chưa có lời giải.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang