Cần Giờ đẹp lung linh, không thua gì Pattaya của Thái Lan?

author 15:14 18/04/2017

(VietQ.vn) - "Cần Giờ sẽ là KĐT du lịch - nghỉ dưỡng không thua gì Pattaya của Thái Lan nếu cơ chế đi trước một bước", ông Đào Hồng Tuyển - CT Tập đoàn Tuần Châu khẳng định.

can-gio-se-khong-thua-gi-pattaya-cua-thai-lan

Cần Giờ được đánh giá là một vùng đất đầy tiềm năng cần được đánh thức

Cần Giờ là một trong 5 huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, nằm về hướng Đông Nam. Chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 50km, Cần Giờ như một ốc đảo xanh tươi với những thảm rừng đước bạt ngàn, xen lẫn trong đó là những khu vườn xum xuê cây trái, đặc biệt còn có những món hải sản tươi ngon, từ các loại cua, cúm, ghẹ đến tôm, ốc..

Tại buổi tọa đàm về "Mô hình phát triển đột phá cho huyện Cần Giờ", do Sở QH-KT TP.HCM tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để vùng đất tiềm năng Cần Giờ được đánh thức sau mấy chục năm ngủ quên, trong đó đáng lưu ý nhất là cần cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang) hay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Đăng tải trên báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, trước hết không phải là đưa Cần Giờ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng mà phải phát triển theo hướng để người nông dân có thể sống tốt hơn, làm sao Cần Giờ hòa nhập được với sự phát triển của TP.HCM chứ không đơn thuần chỉ là làm các khu đô thị lấn biển, làm đường 10 làn xe cho "người giàu" xuống nghỉ mát là xong.

Ông Hòa cũng lưu ý, sự phát triển của Cần Giờ phải đảm bảo tiêu chí không đánh đổi môi trường sinh thái. Dù khai thác gì đi nữa vẫn phải hướng đến điều đó.

TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công Đại học Fulbright VN, cho rằng thành phố nên duy trì UBND cấp huyện Cần Giờ, nhưng trong đó có thể lập ra một mô hình, tổ chức quản lý mới có tên gọi là cơ quan phát triển Cần Giờ với sự tham gia của nhà đầu tư, các bộ ngành, lãnh đạo UBND thành phố. Mô hình này tự thu về tài chính, tự kiểm soát. Tiền thu được từ thuế, phí, lợi nhuận sẽ giữ lại để đầu tư trở lại cho người dân.

Theo ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, phát triển Cần Giờ tuyệt đối phải bảo vệ rừng ngặp mặn, chăm sóc và phát triển vĩnh cửu nó. Đây là vùng đất lịch sử, nhiều người dân đã hy sinh nơi đây nhưng lại là nơi nghèo nhất thành phố nên phát triển nơi đây phải để người dân được hưởng lợi.

Cũng theo ông Tuyển, hơn chục ki lô mét bờ biển có thể xây dựng hệ thống bến cảng du thuyền để làm đại hội du thuyền quốc tế như ở Singapore, Thái Lan. Ngoài ra, có thể làm các khu chợ hải sản, đấu giá hải sản; tái hiện các khu Sài Gòn xưa, du lịch tâm linh.

"Phát triển Cần Giờ giao thông là quan trọng nhất. Có thể làm cầu, nhưng để đến được cầu cũng không dễ. Tôi đi từ trung tâm thành phố đến được phà Bình Khánh mất hơn 1 tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Như vậy chúng ta có thể làm một đại lộ ven sông Sài Gòn nối từ trung tâm thành phố đến cầu Bình Khánh. Làm đường ven sông sẽ không phải giải tỏa đất đai của người dân mà tận dụng quỹ đất bồi ven sông để làm, rất nhanh", ông Tuyển nói.

can-gio-se-khong-thua-gi-pattaya-cua-thai-lan

Biển Cần Giờ là một lợi thế quan trọng trong phát triển du lịch 

Theo Trí thức trẻ, ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch huyện Cần Giờ cho biết nhiều thông tin đồn đại rằng du khách đến dây không dám ăn hải sản tươi sống do lo sợ ô nhiễm là phi lý. Thực tế, khu vực biển của TP.HCM hiện nay không đủ hải sản bán cho khách du lịch và dân địa phương. Nhiều lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm cho Cần Giờ, nhưng không đủ lực do không có nhà đầu tư nào quan tâm và chính sách không theo kịp.

Trong khi huyện Cần Giờ rộng hơn 70.000 km2, trong đó 33.000 km2 là rừng sinh quyển luôn phải giữ nghiêm ngặt. "Do đó, thời gian tới khi chúng ta muốn phát triển cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể mất được diện tích rừng này", ông Triển nói.

Cũng theo lãnh đạo huyện, dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu hiện đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác. Phà Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) cũng sẽ đưa vào dịp 2/9 năm nay để khai thác.

"Cần Giờ phải trở thành một khu kinh tế du lịch sinh thái đúng nghĩa, tức là du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn khu dự trữ và người dân sở tại cũng sẽ là những người tham gia vào làm du lịch tại chỗ. Về mặt giao thông, chúng ta có thể lấy đường thủy và đường không làm hướng tiếp cận chính cho các đồ án quy hoạch sắp tới", ông Triển cho biết thêm.

Dũng Linh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang