Cần hướng đi mới cho phát triển thương hiệu gạo quốc gia

author 20:20 23/11/2016

(VietQ.vn) - Thương hiệu quốc gia của Chính phủ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Đây cũng là chương trình nhằm xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

 Phát triển Thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế là vấn đề khó khăn trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 706/2015/QĐ-TTg về Chương trình Thương hiệu gạo Việt Nam, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chịu trách nhiệm chủ trì triển khai “Đề án phát triển gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, có 3 cấp thương hiệu gạo; thương hiệu gạo cấp quốc gia, cấp vùng và thương hiệu gạo của các doanh nghiệp.

Để triển khai đề án này, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (NLTS&NM) đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 3 tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành lúa gạo là TCVN Gạo thơm, TCVN Gạo trắng và TCVN Yêu cầu kỹ thuật quy trình xay sát, bảo quản thóc gạo.

Trong thời gian qua, các địa phương đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu cộng đồng. Đến nay, tổng số thương hiệu gạo vùng và địa phương gồm có 4 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý như gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên, gạo nàng nhen thơm Bảy Núi (An Giang) và gạo một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu).

Nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể như nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), nếp cái hoa vàng Đồng Triều (Quảng Ninh), gạo nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo Bao thai Định Hóa (Thái Nguyên), gạo Bao thai Chợ Đồn (Bắc Kạn) và thương hiệu chứng nhận như gạo thơm Sóc Trăng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu ở 2 mức độ là: Thương hiệu chung của doanh nghiệp như Vinafood, Công ty lương thực Hà Nội, Công ty ADC, Công ty CP TM&SX Viễn Phú; và thương hiệu sản phẩm là nhãn hiệu được xây dựng với tiếp cận sản phẩm như bắc thơm, gạo tám xoan, gạo nàng thơm hay tiêu chuẩn thực hành chất lượng Global Gap, hữu cơ hoặc sử dụng đồng thời các thương hiệu vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo có chất lượng cao, sản xuất tập trung gắn với vùng sản xuất.

Việt Nam có 8 vùng nông nghiệp, xuất khẩu nông sản với số lượng lớn nhưng có tới 90% sản lượng xuất khẩu dưới dạng thô, nên việc xây dựng thương hiệu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tại, dịch bệnh, giá cả bấp bênh của thị trường, khả năng tích tụ kém về vốn và ruộng đất trong khi việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa cần có sự bài bản về kiến thức, tư duy chiến lược, công sức thời gian và chi phí.

Theo Cục Chế biến NLTS&NM cho biết, trong thời gian tới, thương hiệu gạo Việt Nam tiếp tục triển khai, dự kiến theo lộ trình, đến năm 2017 sẽ có nhãn hiệu gạo quốc gia Việt Nam được đăng ký bảo hội và được triển khai cấp cho các doanh nghiệp, sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo đến năm 2020.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá tồn tại, đưa ra những giải pháp cấp bách và đề xuất định hướng, nội dung trong Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực. Cục Chế biến NLTS&NM bàn giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng tại các địa phương nắm bắt tình hình và xác định mặt hàng hướng tới xây dựng thương hiệu.

Đức Mậu

Thương hiệu Quốc gia 2016: Trung Nguyên, Vietnam Airlines không có tên(VietQ.vn) - Vietnam Airlines chưa từng được lọt vào danh sách Thương hiệu Quốc Gia từ năm 2008. "Ông hoàng" cà phê Trung Nguyên năm nay cũng không còn ghi danh...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang