Cần kiểm soát chất lượng xe tập đi dành cho trẻ em

author 14:42 17/10/2017

(VietQ.vn) - Sản phẩm xe tập đi cần phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng để giảm nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Xe tập đi không nhãn mác, xuất xứ vẫn tràn ngập thị trường

Xe tập đi dành cho trẻ em thuộc dòng sản phẩm hỗ trợ cho bé, giúp bé tập đi một cách an toàn và hiệu quả. Hiện có nhiều loại xe tập đi bao gồm cả những sản phẩm tích hợp thêm các loại đồ chơi giúp bé vừa học vừa chơi một cách thoải mái, hỗ trợ tốt cho bé trong việc phát triển các kỹ năng nghe nhìn...

Tại Hà Nội, các sản phẩm xe tập đi dành cho trẻ em được bày bán rộng rãi ở các cửa hàng đồ chơi trẻ em, các siêu thị chuyên bán đồ dùng trẻ nhỏ như BiboMart, Tuticare, Shoptretho... Trên mạng, sản phẩm này còn phong phú hơn cả về mẫu mã, chủng loại lẫn giá cả.

 

 

Các loại xe đẩy, xe tập đi được bán tại nhiều cửa hàng chuyên đồ dùng cho bé, cửa hàng đồ chơi trẻ em tại Hà Nội. 

Giá bán của xe tập đi cho trẻ em hiện dao động từ khoảng 200 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/sản phẩm tùy chủng loại, thương hiệu. Đối với các loại xe tập đi làm bằng chất liệu gỗ được rao bán trên mạng Internet, mức giá có thể thấp hơn rất nhiều, có loại chỉ còn 150.000 đồng/sản phẩm.

Dòng sản phẩm xe tập đi dành cho trẻ em bán trên thị trường thường được chia nhỏ cho các đối tượng trẻ nhỏ theo từng lứa tuổi (0-3 tháng; 3-6 tháng; 6-12 tháng; 1-3 tuổi; 3-6 tuổi; 6-7 tuổi; 7-10 tuổi; 10 tuổi trở lên). Một số thương hiệu xe tập đi cho trẻ hay gặp là Akigo, Topbby, Winwitoys, Zaracos… và một số sản phẩm hàng Việt Nam.

Qua khảo sát thực tế trên thị trường kèm theo tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các chợ online internet cho thấy hiện vẫn có khá nhiều sản phẩm xe tập đi dành cho trẻ em bán ngoài thị trường không có nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn chứng nhận chất lượng.

Xe tập đi dành cho trẻ em với nhiều chủng loại, mẫu mã được rao bán trên mạng. 

Chưa kể, còn có một số loại sản phẩm tuy có bao bì đầy đủ nhưng nhưng thông tin, hướng dẫn sử dụng không có hoặc chỉ bằng tiếng nước ngoài gây khó cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, còn xuất hiện một số sản phẩm làm từ chất liệu gỗ có sơn phủ bên ngoài. Tuy nhiên, không thấy thông tin về mức độ an toàn, giới hạn cho phép của hóa chất sơn phủ sử dụng trên sản phẩm (không có nhãn thuyết minh thông tin).

Trên thực tế, việc sử dụng vô tội vạ xe tập đi dành cho trẻ em đã làm gia tăng nguy cơ trẻ bị tai nạn do các loại sản phẩm này. Chưa kể, đối với những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sự nguy hại đối với sức khỏe của trẻ nhỏ là không thể tránh khỏi.

Có những loại xe tập đi dành cho trẻ em bằng gỗ giá chỉ 150 nghìn đồng. 

Liên quan tới vấn đề này, theo ThS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ em bị tai nạn do xe tập đi thường gặp và tổn thương chủ yếu là vùng hàm mặt.

Lý do là xe tập đi trên thị trường hiện nay rất dễ di chuyển nên chỉ cần đẩy nhẹ chân là có thể chạy từ đầu nhà đến cuối nhà khiến trẻ không kiểm soát được tốc độ. Nhà chật, nhiều bậc thềm lên xuống cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ngã. Đa số trẻ bị tai nạn do xe tập đi được cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương đều bị ngã do xe lao nhanh từ trong nhà xuống bậc thềm ra ngoài sân.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy trẻ dùng xe tập đi thường chậm biết bò, biết đứng và biết đi hơn so với những trẻ được phát triển một cách tự nhiên. Nguyên nhân là do trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ xương không phát triền như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi một cách hiệu quả.

Ngoài ra, đối với trẻ dưới 12 tháng, hệ xương rất mềm, yếu. Vì vậy, nếu trẻ đứng lâu trong xe tập đi có thể gây biến dạng xương thành chân vòng kiềng. Do hệ xương, cơ, dây chằng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên theo phản xạ, bé sẽ đặt chân xuống sàn, cơ thể bé dựa vào miếng lót khung của xe để nâng trọng lượng cơ thể và sử dụng các ngón chân để đẩy xe.

Chính những điều này làm xương chân, cơ, bàn chân không có khả năng chịu lực của cơ thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, cơ, làm chân bị biến dạng hình cong, vòng kiềng.

Cho bé ngồi xe tập đi quá sớm khi hệ xương của con còn quá yếu sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống của trẻ bởi lúc này các cơ của trẻ còn yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng, do đó sẽ tạo áp lực lên cột sống dẫn tới biến dạng xương, gây nên tình trạng gù, cong vẹo cột sống rất cao.

Nguy hiểm hơn, khi trẻ ngồi trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã có xu hướng chúi đầu về trước, trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên chấn thương thường nặng hơn so với trẻ ngã tự do nhất là các chấn thương về sọ não.

Cần có quy chuẩn về xe tập đi dành cho trẻ em

Chính vì những nguy hiểm khó lường đến sức khỏe thậm chí tính mạng của trẻ nhỏ, xe tập đi đã được khuyến cáo không dùng cho trẻ ở nhiều nước trên thế giới.

Nước đầu tiên ban bố lệnh cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em là Canada. Lệnh cấm này được Bộ Y tế Canada ban hành trên toàn đất nước bắt đầu từ 07/04/2004 bao gồm việc cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Không những vậy, bất kỳ ai thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt.

Còn tại Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP), và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trừờng. Theo họ, xe tập đi tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng có hại như dễ khiến trẻ gặp tai nạn; là nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng, chân biến dạng ở trẻ; không giúp trẻ biết đi sớm mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ…

Ở Việt Nam, hiện không có lệnh cấm xe tập đi cho trẻ, và theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế, các vật dụng cho trẻ em như xe tập đi không thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ Y tế chỉ quản lý các thiết bị, dụng cụ dùng trong điều trị.

Ở nhiều nước, khi một thứ đồ gia dụng được phát hiện là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa sự an toàn của người sử dụng, ngành y tế sẽ có các khuyến cáo hoặc đề nghị ra lệnh cấm. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ở Việt Nam hiện chưa có tiền lệ nào về việc này, cũng không có quy trình để áp lệnh cấm cho một thiết bị gia dụng với lý do liên quan đến sức khỏe.

Việc sử dụng xe tập đi và xe đẩy cho trẻ em hiện đang ngày càng trở nên phổ biến tại các gia đình có con nhỏ ở Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng của sản phẩm này ra sao hay những nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ chưa được quan tâm đúng mức.

Cần có quy chuẩn để kiểm soát chất lượng sản phẩm xe tập đi dành cho trẻ em trên thị trường. Ảnh: Shoptretho 

Trong thời gian tới, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về chất lượng của hai loại sản phẩm xe tập đi và xe đẩy dành cho trẻ em hiện đang được lưu thông và sử dụng trong nước. Tiến hành thống kê, rà soát tất cả các cơ sở kinh doanh, sản xuất (nếu có) các mặt hàng xe tập đi và xe đẩy tại Việt Nam Từ đó, nhanh chóng đề xuất tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, giám định, đánh giá, công bố chất lượng của hai loại sản phẩm đã nêu.

Không những thế, cần xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm xe tập đi, xe đẩy dành cho trẻ em trong nước cũng như nhập khẩu.

Đặc biệt, nếu xét thấy đủ cơ sở pháp lý và khoa học thì nên có một bộ quy chuẩn kỹ thuật riêng cho hai loại sản phẩm này. Trong đó, quy định các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu hai loại sản phẩm xe tập đi và xe đẩy dành cho trẻ em phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng nhất định, song song với đó là việc công bố chất lượng sản phẩm với thông tin để người tiêu dùng nhận biết một cách dễ dàng nhất.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng đề phòng đối với các sản phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nguy cơ gây mất an toàn với trẻ em.

Phong Lâm

 

Thu hồi xe tập đi cho bé có nguy cơ gây tử vong(VietQ.vn) - Chi nhánh công ty chuyên cung cấp đồ cho trẻ em Bebelove ở Mỹ mới đây đã tiến hành thu hồi những mẫu xe tập đi cho bé không đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, có thể gây tử vong cho bé.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang