Hé lộ hy vọng tìm thấy Căn phòng hổ phách – kỳ quan thứ 8 của thế giới

author 17:08 31/08/2015

(VietQ.vn) - Trên đoàn tàu chở kho báu của phát xít Đức được Ba Lan xác nhận có thể chứa Căn phòng Hổ phách, kho báu thất truyền được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Theo những tin tức mới nhất trên báo Dân Trí, nhà báo Tom Bower, điều tra viên nổi tiếng và tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu tin tưởng rằng Căn phòng Hổ phách (Amber Room) huyền thoại vốn được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới có thể được giấu bên trong đoàn tàu chở kho báu của Đức quốc xã mà Ba Lan vừa tuyên bố là "gần như chắc chắn" đã phát hiện thấy.

Nhà báo này đặc biệt hy vọng sẽ tìm thấy bên trong con tàu trên - được cho là bị bỏ lại trong đường hầm dưới một ngọn núi Ba Lan - căn phòng hổ phách đã bị trộm từ Cung điện Catherine, gần TP St Petersburg (Nga) vào năm 1941. “Nếu đó là một con tàu nghệ thuật thì nó sẽ chứa các tác phẩm nghệ thuât, có lẽ là kim cương, hồng ngọc, đá quý và căn phòng hổ phách” – ông Bower nói.

Hình ảnh căn phòng hổ phách – kỳ quan thứ 8 của thế giới được chụp từ năm 1932

Hình ảnh căn phòng hổ phách – kỳ quan thứ 8 của thế giới được chụp từ năm 1932

Trước đó, Bộ Văn hóa Ba Lan bất ngờ tiết lộ giới chức nước này đã có bằng chứng về con tàu kho báu của Đức Quốc xã từ những bức ảnh thu được nhờ radar xuyên đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phán đoán về căn phòng huyền thoại có thể "nói trước bước không qua". Trên thực tế, các tấm hổ phách sẽ khô, giòn, dễ gãy theo năm tháng và cần được bảo vệ trong điều kiện khí hậu thích hợp.

Theo truyền thuyết địa phương, đoàn tàu biến mất gần lâu đài Ksiaz, cách thành phố Walbrzych, đông nam Ba Lan, khoảng 3 km. Đây là nơi Đức quốc xã đã cho xây dựng 7 công trình ngầm trong núi, và nhiều người cho rằng đây là nơi cất giấu những kho báu mà họ cướp được.

Bên trong căn phòng hổ phách được tái dựng lại ở Nga

Bên trong căn phòng hổ phách được tái dựng lại ở Nga

Huyền thoại về kỳ quan thứ 8 của thế giới bắt nguồn từ năm 1701, khi Friedrich I – vị vua đầu tiên của nước Phổ ra lệnh xây dựng căn phòng hổ phách để trang trí cho cung điện Charlottenburg. Căn phòng hổ phác được xây dựng trong 10 năm và hoàn thành vào năm 1711 với các bức tường được dát toàn bộ bằng hổ phách, đồ trang trí bằng vàng và các tấm gương lớn.

Năm 1716, khi đến thăm nước Phổ, sa hoàng Nga là Pier Đại đế đã hoàn toàn bị chinh phục bởi nét đẹp "vô tiền khoáng hậu" của công trình này. Để thể hiện tình hữu nghị và muốn thắt chặt quan hệ liên minh Nga - Phổ chống lại Thụy Điển, nhà vua đã đồng ý tặng Pier món quà vô giá. Căn phòng hổ phách được tháo rời và đặt trong 18 chiếc hộp để vận chuyển về Nga một năm sau đó.

Căn phòng nổi tiếng được đặt tại cung điện Catherine ở Tsarskoye Selo, phía nam thành phố St.Petersburg. Nó bị Đức quốc xã cướp phá khoảng năm 1941 và được đưa về lâu đài Königsberg. Kể từ đó thông tin về căn phòng hổ phách quý báu này hoàn toàn biến mất. Có đến hàng trăm giả thuyết về số phận của căn phòng hổ phách.

Căn phòng hổ phách vốn được đặt trong Cung điện Catherine trước khi biến mất

Căn phòng hổ phách vốn được đặt trong Cung điện Catherine trước khi biến mất

Nhiều người cho rằng lãnh đạo của Đức quốc xã đã mang căn phòng cùng nhiều báu vật ra khỏi thành phố sau khi lâu đài bị đánh bom năm 1944. Trong khi đó, những người khác nhận định nó có thể đã bị phá hủy bởi chiến tranh. Tất cả các dấu vết liên quan đều biến mất và căn phòng hổ phách trở thành một trong những kho báu thất truyền mà nhân loại khao khát được tìm thấy nhất thế giới, báo VnExpress đưa tin.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang