Cận Tết nở rộ nhiều 'chiêu' trộm tiền qua tài khoản ngân hàng cần cảnh giác

author 07:10 10/01/2021

(VietQ.vn) - Dịp cuối năm là lúc các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng lại gia tăng người dân nên tỉnh táo.

Nhiều ngân hàng nhận định, những tháng cuối năm là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với nhiều các thủ đoạn tinh vi.

“Bẫy” khảo sát trúng thưởng

Một trong những “chiêu” lừa xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây là dụ người dùng vào trang khảo sát và được thông báo trúng thưởng smart phone như: iPhone, Galaxy S10 nhưng thực chất là trò lừa đánh cắp thẻ ngân hàng, tiền trong tài khoản của người dùng.

Chị M. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kể, mới đây chị lên mạng tìm các trang web bán đồ ăn vặt thì thấy một website tự động mở. Trang này có giao diện gần giống Facebook với nội dung “khảo sát ý kiến về trình duyệt” để trúng thưởng. Thử click, tham gia trả lời những câu hỏi thì ứng dụng tự động chuyển tới trang có nhiều hộp quà. Tò mò, chị nhấp vào thì nhận được thông báo có thể mua điện thoại iPhone 12 với giá chỉ 1 USD, nhưng phải thanh toán qua thẻ bằng cách cập nhật nhiều thông tin cá nhân liên quan…

Thấy vậy, chị M. điện thoại cho một người bạn đang là nhân viên của một ngân hàng và được người này cảnh báo nếu làm theo hướng dẫn tài khoản ngân hàng sẽ bị đánh cắp.

Nhiều ngân hàng khuyến cáo, hiện xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo để đánh cắp tài khoản khách hàng nên thận trọng. Ảnh minh họa 

Giả danh trang web và nhân viên ngân hàng

Theo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank), vừa qua xuất hiện nhóm lừa đảo giả danh nhân viên của VPBank gọi điện thoại, nhắn tin mời mở thẻ, cấp khoản vay, sau đó yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ qua dịch vụ bưu điện nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng còn gọi mời khách hàng tham dự hội thảo, mua sản phẩm liên kết với đối tác… nhằm lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng.

Cảnh giác với camera an ninh thông minh giá rẻ(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng các thiết bị camera nhằm an ninh, tuy nhiên trên thị trường bày bán rất nhiều thiết bị giá rẻ không đảm bảo an toàn, mất an ninh đối với người dùng.

Cài đặt phần mềm gián điệp, giả danh tòa án, cảnh sát yêu cầu cung cấp thông tin

Theo Ngân hàng Vietcombank, cận Tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số thủ đoạn lừa đảo được thực hiện nhiều như lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, lừa đảo khách hàng tự chuyển tiền…

Cụ thể, đối tượng lừa đảo giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin. Hoặc kẻ lừa đảo sẽ tìm cách lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát… và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin… Vietcombank khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Không chỉ thế, kẻ gian có thể giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát, nhân viên bưu điện, viễn thông, giao hàng… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian. Vì vậy, khách hàng cần nâng cao cảnh giác, xác định đúng thông tin của người liên hệ. Đặc biệt, không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, báo cho cơ quan công an/cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.

Sử dụng điện thoại ảo giống đường dây nóng của công an

Dịp cuối năm, các cơ quan công an, dịch vụ tài chính cũng liên tiếp cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo như có nhiều kẻ sử dụng số điện thoại ảo, lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng hay cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... hù doạ người nghe rằng họ đang nằm trong danh sách rửa tiền, đề nghị mở tài khoản và đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử tại ngân hàng X để kiểm tra nguồn tiền...

Hay chiêu trò cũ nhưng vẫn được sử dụng là thông báo cho người nghe hiện bưu điện đang ghi nhận bưu phẩm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng của nạn nhân. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường dẫn của cơ quan công an điều tra để được hỗ trợ chuyển tiền ngay. Nếu không đồng ý truy cập và thanh toán sẽ chịu truy tố trước pháp luật. Các nạn nhân thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả danh sẽ bị thiệt hại tài chính…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang