Cẩn thận hàng Trung Quốc khi dùng các que thử nhanh

author 15:35 27/05/2014

(VietQ.vn) - Trên thị trường hiện có bán rất nhiều loại que thử nhanh nhập ngoại có chức năng chẩn đoán bệnh chỉ trong vài phút.

 Tuy nhiên những sản phẩm này có chất lượng hay không khi mới đây cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 12.000 que thử HIV, viêm gan B xuất xứ Mỹ nhưng lại được nhập về từ... Trung Quốc.

Xu hướng lựa chọn que thử nhanh để chẩn đoán bệnh tật đang được nhiều người sử dụngXu hướng lựa chọn que thử nhanh để chẩn đoán bệnh tật đang được nhiều người sử dụng

Bệnh thêm nặng vì quá tin vào que thử nhanh

Anh Vũ Văn Thắng (Kiến Xương, Thái Bình) đang điều trị ung thư gan tại bệnh viện Bạch Mai -  người đã từng sử dụng que thử nhanh để đoán bệnh cách đây hơn một năm cho biết, vì sử dụng rượu trong thời gian dài và có tiền sử bị viêm gan B nên anh được người thân giới thiệu mua que thử nhanh về để kiểm tra bệnh. Mua que thử ở một hiệu thuốc gần nhà và sử dụng như hướng dẫn của người bán, kết quả cho thấy anh vẫn bình thường. Tuy nhiên chỉ sau đó 6 tháng, khi sức khỏe đột nhiên xuống dốc buộc anh phải nhập viện, bằng các xét nghiệm bác sỹ kết luận anh đã có tế bào ung thư và sức khỏe đang có chuyển biến xấu.

Chia sẻ trên  diễn đàn dành riêng cho người có H, thành viên Ngọc cũng cho biết vì nghi ngờ mình bị nhiễm HIV nhưng vì còn trẻ nên không dám đến bệnh viện để làm xét nghiệm, thấy trên mạng rao bán loại que thử nhanh, có thể phát hiện virus HIV trong vòng vài phút nên đã tự mua về dùng. Cũng giống như anh Thắng, Ngọc không phát hiện ra mình bị nhiễm. Thế nhưng trong một lần khám sức khỏe tổng thể để làm thủ tục xuất khẩu lao động, Ngọc đã không đạt yêu cầu khi kết quả xét nghiệm máu cho dương tính với virus HIV. "Tôi quá choáng váng, vì trước đó đã test bằng que thử không có vấn đề gì...", Ngọc cho biết.

Trên đây chỉ là hai trường hợp đã từng dùng que thử để chẩn đoán nhằm phát hiện bệnh qua phương pháp test nhanh nhưng kết quả lại trái ngược lại với các xét nghiệm của cơ quan y tế.

Theo BS Vũ Ngọc Tiến (Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Bạch Mai, HN) cho biết, nhiều bệnh nhân đến đây điều trị cho biết là trước đó đã nghe theo những lời giới thiệu, quảng cáo của người bán que thử tại một số cửa hàng thuốc, shop online nên đã mua về dùng. "Tuy nhiên, ngoài việc nguồn gốc, xuất xứ của các loại que thử không rõ ràng thì việc sử dụng không đúng cách cũng có thể dẫn đến kết quả cho không chính xác. Nếu cứ tin vào thiết bị được bán trôi nổi trên thị trường mà không đến cơ sở y tế thăm khám thì nguy cơ bệnh tật sẽ nặng thêm vì không biết để phòng ngừa", BS Tiến nói.

Cũng theo BS này, que thử chỉ là một biện pháp tham khảo, nó cũng có những rủi ro vì xác xuất chính xác không phải 100% là đúng. "Nếu nghi ngờ, hãy đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế được cấp phép để kiểm tra, không nên lạm dụng những thiết bị được mua bán trao tay để tránh những hậu quả đáng tiếc", BS Tiến tư vấn.
Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam, hiện các loại que thử nhanh nhằm phát hiện những bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư ruột, tiểu đường, HIV, Viên gan B... được bán phổ biến trên các trang bán hàng trực tuyến. Hầu hết các sản phẩm này đều được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Giá của các sản phẩm này chỉ trên dưới 100.000đồng/sản phẩm.

Các loại que thử được quảng cáo và rao bán trên mạngCác loại que thử được quảng cáo và rao bán trên mạng

 Cẩn thận hàng Trung Quốc rởm

Ngày 24/ 5, Đội 3 – Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP Hà Nội và lực lượng liên ngành đã phát hiện và bắt giữ một lô hàng gồm nhiều loại camerra, quần áo thời trang và hơn 12.000 que thử. Ngoài mặt hàng được xác định là nhập lậu như camera, quần áo; toàn bộ số que thử HIV và viêm gan B có dấu hiệu nhập nhèm về xuất xứ. Cụ thể, nhãn mác que thử thể hiện xuất xứ sản phẩm từ Mỹ, nhưng thực tế lại được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, một cán bộ của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, các loại que thử y tế phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho tổ chức, cá nhân và khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng chứ không đơn thuần như các mặt hàng mang tính đại trà khác. 

"Việc nhập khẩu các loại thiết bị y tế phải đảm bảo các yếu tố về chất lượng cũng như nhãn mác. Đặc biệt phải được đăng ký trước khi lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe bán trôi nổi, nhập nhèm nhãn mác thì người tiêu dùng cũng như bệnh nhân cần phải thận trọng", vị cán bộ này cho hay.
Đánh giá về tính hiệu quả của các sản phẩm que thử,

GS. Mai Thế Trạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay hiện phương pháp thử đường trong nước tiểu để chẩn đoán bệnh tiểu đường như cách thử bằng que ít được các bác sĩ áp dụng, trừ trường hợp đặc biệt bệnh nhân cần được theo dõi sát sao lượng đường trong cơ thể, bệnh nhân là người già hoặc người không có khả năng thử đường trong máu. Nếu buộc phải thử bằng nước tiểu, để đảm bảo chính xác, người thử phải thử vào lúc sáng sớm khi bụng đói. Những trường hợp thử nhanh, lấy mẫu nước tiểu bất kỳ thường không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe.

Còn TS. Trương Xuân Liêm, Trưởng khoa Xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết, Viện đã từng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự chẩn đoán HIV/AIDS bằng các loại que thử bán trên thị trường. Quy trình xét nghiệm HIV/AIDS đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao chưa kể nếu mua phải hàng rởm, không rõ nguồn gốc thì việc cho kết quả không chính xác là rất cao.

Uyên Chi


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang