Cẩn thận khi nhập máy 'đào' Bitcoin Trung Quốc

author 16:05 11/09/2017

(VietQ.vn) - Hiện tượng doanh nghiệp đã bỏ ra lượng tiền rất lớn để nhập khẩu ồ ạt các loại máy đào Bitcoin và một số loại tiền ảo khác đã từng xảy ra, nhưng sau đó phải bán đồng nát do bị thua lỗ trầm trọng.

Như trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nhập khẩu một loạt máy tính trong nhiều ngày qua nhằm xử lý dữ liệu giải mã để “đào” Bitcoin.

Bên cạnh đó, điều này đã khiến Hải quan lúng túng bởi những loại máy tính dạng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu và Bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Được biết, máy đào Bitcoin do Công ty Công nghệ Bitmain của Trung Quốc sản xuất và là máy xử lý dữ liệu tự động. Cụ thể, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa nhằm phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256.

Theo Pháp Luật TP.HCM, giá tiền ảo bitcoin tăng chóng mặt và nhiều người muốn làm giàu lên nhanh chóng khiến việc nhập khẩu máy đào tiền ảo bùng nổ.

Chỉ trong ba tháng gần đây giá bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng đến 170%, có thời điểm lên mức gần 5.000 USD/bitcoin.

Giá tiền ảo bitcoin tăng chóng mặt và nhiều người muốn làm giàu lên nhanh chóng khiến việc nhập khẩu máy đào tiền ảo bùng nổ. Ảnh: Zing.

Theo đó, giá máy đào tiền ảo nhập khẩu có xu hướng giảm sâu do Trung Quốc siết chặt quản lý tiền ảo. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua sắm máy về đào tiền ảo kiếm lời. Giá của một máy đào tiền ảo dao động 60-70 triệu đồng, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê công nhân đào tiền.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ cho hay: “Hiện có một lực lượng đông đảo các nhà đầu tư, cá nhân tham gia đào tiền ảo, nhất là bitcoin. Muốn đào tiền ảo phải tốn chi phí khá lớn, tối thiểu 60 triệu đồng cho đến vài trăm triệu đồng. Tiền ảo cũng là một loại tài nguyên, càng đông người đào thì càng khan hiếm nên phải nhập máy đào”.

Đặc biệt, hầu hết các loại máy “đào” được nhập khẩu về Việt Nam, tuổi thọ trung bình chỉ vỏn vẹn 02 - 03 tháng của và sau đó phải mua sắm lại toàn bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, không chỉ chi phí cao do dàn máy đào không đạt chuẩn, số tiền thu được hầu như đều phụ thuộc vào máy đào. Và nếu không thay mới, tốc độ xử lý không cao, khả năng đào được Bitcoin sẽ rất thấp.

Không dừng lại ở đó, hiện tượng doanh nghiệp đã bỏ ra lượng tiền rất lớn để nhập khẩu ồ ạt các loại máy tính để "đào Bitcoin và một số loại tiền ảo khác” đã từng xảy ra, nhưng sau đó phải bán đồng nát do bị thua lỗ trầm trọng. Ngay cả khi đào được tiền, cũng chưa chắc sẽ bảo toàn được nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, thì trào lưu nhập khẩu này nổi lên.

Được biết, nguyên nhân của trào lưu nhập khẩu này là bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên giá Bitcoin tăng chóng mặt và nhiều người hy vọng sẽ giàu lên nhanh chóng từ lượng tiền đầu tư ít ỏi ban đầu và đây chính là yếu tố chi phối.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam, đà tăng giá liên tiếp của tiền ảo Bitcoin đã khiến thị trường máy đào Bitcoin và một số loại tiền ảo khác ngày càng trở nên hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để bán lại máy “đào” với mục tiêu kiếm lời là chính.

Cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn số 5747/NHNN-PC vào ngày 21/7/2017, gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề bitcoin, litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam. “Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Anh Vũ Tuấn Tùng (trú tại Bình Thạnh, TP.HCM) - một nhà đầu tư tiền ảo chia sẻ rằng, từng biết có người đầu tư cả tỉ đồng để mua máy đào tiền ảo bitcoin.

Giá của một máy đào tiền ảo dao động 60-70 triệu đồng, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê công nhân đào tiền. Ảnh: VTV.

Tuy nhiên, sau khi đào được thì lấy số tiền này đầu tư lướt sóng những loại tiền ảo khác có giá rẻ hơn. Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, giá trị những loại tiền ảo mà người này đầu tư lao dốc không phanh, khiến cả tỉ đồng bốc hơi, máy móc thì bán đi cũng chỉ thu hồi vốn chưa đủ 50%.

Mới đây, khi sàn giao dịch tiền ảo BTC-E bị sập, cộng đồng đào bitcoin đã chứng kiến không ít người mất toàn bộ số tiền đầu tư lên đến trăm triệu và trong số người bại trận thì những người đi vay nặng lãi bị thiệt hại nặng nề nhất.

Anh Tùng chia sẻ thêm: “Đối với một nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiền ảo theo kiểu bầy đàn, muốn giàu nhanh và không có kiến thức sẽ rất nguy hiểm, khả năng thất bại lên đến 90%. Đó là chưa kể pháp luật không cho phép nên những người tham gia khi mất trắng chẳng biết kêu ai”.

Đặc biệt, nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn bởi bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số.

Nói thêm về điều này, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, nhận định: “Nếu đồng tiền này bị vô hiệu hóa giao dịch thì tài sản của nhà đầu tư chỉ còn là con số 0”.

Bên cạnh đó, ông Vũ cũng cho rằng những lời quảng cáo như thu hồi vốn chỉ sau ba tháng, thanh lý máy được ít nhất 50%… chỉ là để bán được máy đào tiền.

“Trong nghề ai cũng hiểu có thu hồi vốn sau ba tháng hay không là do hên xui nhưng xui chiếm phần lớn do tài nguyên tiền ảo ngày càng hạn hẹp. Thanh lý máy được hay không cũng hên xui nốt vì máy đào đắt là do card màn hình, trong khi loại hàng hóa điện tử này khi muốn thanh lý chẳng dễ dàng gì”, ông Vũ cho hay.

Lan Lan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang