Cẩn thận mất mạng vì biến chứng đái tháo đường

author 07:22 08/03/2019

(VietQ.vn) - Sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc vết thương trên cơ thể là nguyên nhân khiến người đái tháo đường phải cắt các bộ phận trên cơ thể, thậm chí mất mạng.

Sự kiện: Cảnh báo

Mất chân tay vì tự ý điều trị bệnh

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân Hà Mạnh T. (28 tuổi đến từ Phú Thọ), biến chứng đái tháo đường loét hoại tử bàn chân nặng trên bệnh nhân đái tháo đường typ 1. Thông tin từ người nhà, bệnh nhân phát hiện đái tháo đường typ 1 cách đây 12 năm (khi mới 17 tuổi) hiện đang điều trị isulin. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị isulin theo đơn từ trước đó rất lâu.

Trước khi nhập viên, bệnh nhân bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gẫy xương. Sau vài ngày vết thương xây xát ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác. Dù bệnh tình như trên nhưng bệnh nhân không tới bệnh viện để khám và kiểm tra mà tự ý ở nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc. Đồng thời, bệnh nhân sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết thương khiến tình trạng nguy hiểm.

Đến khi thấy cơ thể ngày càng mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị.

 
Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể.
 
Biểu hiện đái tháo đường: Mắt nhìn mờ dần, không rõ nét. Cơ thể hay cảm thấy đói do không có đủ insulin hoặc insulin phân bổ không đều, thường xuyên mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, giảm cân đột ngột do cơ thể không có đủ insulin để điều hòa đường máu, hay khát nước và buồn tiểu.
 
Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh hiểm nghèo như: bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư...
 

Tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được cấp cứu trong trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, cơ thể mệt mỏi, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao trên 38 độ C. Bệnh nhân có vết loét tại vị trí mu bàn chân trái, sưng nóng đỏ, kích thước lớn, sâu, vết thương hoại tử lan rộng gần hết mu chân, lan tỏa xuống gan chân, chảy dịch hôi thối...

Theo thạc sỹ, bác sỹ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đây là ca bệnh có diễn biến rất nặng do nhập viện muộn. Khi vào viện, bệnh nhân đang trong tình trạng sức đề kháng yếu, sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi. Bàn chân bị nhiễm trùng nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng. Để bảo toàn tính mạng, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ vùng tổn thương nặng tới gần đùi.

Bác sĩ Kha cho biết chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc, vết thương trên cơ thể người đái tháo đường phát tán, lan rộng nhanh chóng, dẫn đến việc phải cắt cụt chi, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Trước ca bệnh nặng này, BS Tôn Thất Kha cũng đưa ra khuyến cáo đối với những người đang mắc đái tháo đường cần thường xuyên tái khám, điều trị đơn thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ. Khi xuất hiện các vết xây xát trên cơ thể không được tự ý điều trị tại nhà. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.

Những biến chứng bệnh đái tháo đường

Bệnh thần kinh

Tổn thương hệ thần kinh là biến chứng đa số người bệnh đái tháo đường mắc phải. Lượng đường trong máu quá cao dẫn đến tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Vì vậy, các dây thần kinh không nhận được đủ chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến yếu cơ, cảm giác tê bì ở các ngón tay.

Giảm thị lực

Lượng đường huyết trong máu cao làm các mạch máu bị nhỏ lại, võng mạc bị tắc nghẽn, gây tổn thương mắt. Ngoài ra, bệnh cũng làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Biến chứng nhiễm trùng

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Vì vậy, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, các vết thương dễ bị viêm nhiễm, lâu khỏi...

Suy giảm trí nhớ

Tạp chí Neurology chia sẻ nghiên cứu cho thấy: bệnh đái tháo đường có thể làm tê liệt thần kinh. Một nhóm nhà thần kinh học ở Harvard và bác sĩ tâm thần đã nghiên cứu thấy rằng: bệnh này có nguy cơ làm suy giảm trí nhớ theo thời gian.

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang