Cẩn thận với chiêu trò cắt mác, thay tên đổi họ cho quần áo

author 12:10 21/10/2018

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình trạng gian thương đã phù phép quần áo trôi nổi thành đồ hiệu hoặc biến quần áo Trung Quốc thành quần áo Việt Nam qua việc cắt mác, thay tên cho sản phẩm để gian lận xuất xứ diễn ra không hiếm.

Chiều 20/10, Công an thành phố Huế cho biết, vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện một lượng lớn quần áo giả nhãn mác tại kho hàng đóng trên đường Trương Gia Mô (phường Vĩ Dạ, Huế). Tại kho hàng, công an phát hiện 1.800 bộ áo quần jean, thun thể thao được nhân viên nơi đây tháo bỏ hết nhãn mác gốc, thay vào bằng nhãn YOFASO, sau đó gắn thêm mẫu giấy ghi giá tiền và mã vạch tự in, rồi bán ra thị trường.

 Gian lận về xuất xứ trong lĩnh vực thời trang diễn ra khá phổ biến

Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều trường hợp dấu hiệu gian lận về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa.

Theo cơ quan quản lý thị trường, hiện nay, ngoài việc làm giả các mặt hàng của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhiều đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào tiêu thụ.

Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp phần lớn người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề Hà Nội như: Sơn Hà, Phú Yên (huyện Phú Xuyên), La Phù (huyện Hoài Đức), Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)…

Chị My Lan, 24 tuổi, hiện là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội phản ánh: “Không tin tưởng quần áo Trung Quốc, từ lâu mình chuyển sang dùng hàng Việt Nam, thường là VNXK của các hãng như Mango, Zara, Forever 21...”. Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện nhiều chiếc áo, váy mua về nhà có hiện tượng mác gắn ở cổ áo bị cắt một nửa. Lật tìm trong thân áo chị mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ “Made in China” in chìm trên mác.

Chị xem lại tất cả quần áo đã mua ở cửa hàng này thì thấy vài chiếc có hiện tương tương tự như vậy, thậm chí có chiếc trên mác còn bị khoét một chỗ nhỏ rất khéo và khó phát hiện. Nhưng quần áo đã mặc rồi nên chị chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết để tránh cửa hàng đó ra, và rút ra được kinh nghiệm mua hàng cho bản thân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu trò cắt mác, khoét mác, hay mác gắn ở cổ là “Made in Vietnam” nhưng ở trong thân áo lại là “Made in China” là rất phổ biến. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn đầu tư in mác mới, thay đồng bộ để đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, mác “đểu” thường dòng chữ “Made in Vietnam” rất mờ, dễ phai khi giặt chứ không được thêu, in rõ nét như hàng chuẩn. Nếu khách hàng không tinh ý sẽ khó phát hiện.

 Nhiều sản phẩm bị cắt mác gốc để thay vào những mác có thương hiệu nhằm lừa dối người tiêu dùng

Không chỉ vậy, giá cả của loại hàng VNXK thường không ổn định. Cùng mẫu mã, một số cửa hàng bán khá rẻ nhiều shop lại thổi cao hơn hàng trăm ngàn đồng. Họ đưa ra nhiều lý do để giữ khách như: Kiểu lạ, độc đáo chỉ có một chiếc, hay giống hàng hiệu đến 99%.... Đặc biệt, có cửa hàng còn biến hàng VNXK, có xuất xứ Trung Quốc thành hàng hiệu nhập khẩu để bán cho khách với giá cao.

Qua khảo sát tại một số chợ lớn chuyên kinh doanh hàng quần áo, may mặc trên địa bàn Hà Nội, không khó để tìm các loại quần áo toàn “hàng hiệu” bày bán la liệt, nhất là mặt hàng quần jean với đủ nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Levis, CK… nhưng giá chỉ hơn một trăm nghìn đồng/chiếc. Thậm chí, có cửa hàng, người bán đưa ra đầy đủ các nhãn mác quần jean bằng chất liệu simili, kim loại để may hoặc nẹp lên quần và cho biết, khách thích thương hiệu gì thì họ sẽ may nhãn của thương hiệu đó.

Theo đại diện cơ quan quản lý thị trường, trước tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng cần cung cấp thông tin để cơ quan quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nhanh thông tin gian lận thương mại. Đồng thời, khi mua sản phẩm trong nước nên chọn sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin kỹ thuật, thời hạn sử dụng, trọng lượng đầy đủ. Nếu những sản phẩm đã công bố mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm để kiểm tra.

Bộ KH&CN tiêu hủy hơn 2000 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiêu huỷ gần 2400 sản phẩm thời trang bao gồm túi xách, ví da, dây lưng giả nhãn hiệu DIOR, LOUIS VUITTON, HERMÈS

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang