Cần thêm công cụ quản lý chất lượng nông sản

author 11:55 12/05/2018

(VietQ.vn) - Đảm bảo an toàn thực phẩm đến chuẩn chất lượng là yếu tố giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cho mặt hàng thực phẩm – nông sản an toàn Việt Nam.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Năm 2017, lần đầu tiên nông sản Việt Nam có giá trị xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD – vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái - đây là những con số mà Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đưa ra đầu hội thảo “Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường” mới được tổ chức gần đây.

Thế nhưng 77% nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc – một thị trường “dễ tính”, trong khi việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ hay Nhật thì vẫn còn hạn chế bởi không đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng.

 Hiện Việt Nam có đến 1.536 tiêu chuẩn, riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có đến 884 tiêu chuẩn

Một vấn đề khác đặt ra là vì yếu tố tiêu chuẩn chất lượng thấp nên ngay trên thị trường nội địa, niềm tin với nông sản Việt Nam cũng đang ngày càng bị suy giảm. Điều này đã đặt ra yêu cầu về một công cụ quản lý chất lượng – “một tiêu chuẩn để người bán và người mua có thể tin nhau” – Thứ trưởng Tạc tổng kết.

Bộ tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa như thế không chỉ giúp khôi phục lòng tin của bên bán và bên mua trên thị trường mà cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp nông sản Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa.

Chuyên gia thương hiệu Trần Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn The Pathfinder lý giải, những tiêu chuẩn mới thường có hàng rào kỹ thuật ngày càng cao, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Việc buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa mới này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch mới để đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm, tuy mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng sẽ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và đem lại cho nông sản Việt “tấm giấy thông hành và sự tin cậy để đi ra thế giới”. Điều này cũng sẽ giúp tăng sức cạnh trạnh của sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra các cơ hợi đổi mới và sáng tạo giá trị; đổi mới với tư duy 4.0 giúp định vị được vị trí cạnh tranh; xâm nhập thế giới và những câu chuyện về các giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp… Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng, muốn xâm nhập thị trường thế giới và phát triển bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật các hệ thống chất lượng.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, gần đây qua theo dõi việc xuất khẩu hàng hóa nông sản và thực phẩm an toàn nhận thấy liên tiếp thời gian qua có tồn tại việc “giải cứu” hàng hóa nông sản và chăn nuôi.

Thực tế nông sản và thực phẩm an toàn của Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc trong khi đối với các thị trường xuất khẩu khác lại vẫn có phản ánh tình trạng nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về vì dư lượng thuốc kháng sinh, tạp chất…

Chính vì thế theo ông Tạc, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN bắt buộc phải có một công cụ quản lý được chất lượng các sản phẩm nông sản và thực phẩm an toàn tại thị trường trong nước cũng như tại thị trường nước ngoài, đây là điều bắt buộc, nếu không sẽ gây thiệt hại và mất uy tín rất lớn đối với các sản phẩm này trong quá trình xuất khẩu.

“Hiện các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng liên quan đến nông sản thực phẩm có đến tất cả 1.536 tiêu chuẩn, riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có đến 884 tiêu chuẩn, đây là những con số rất lớn thể hiện việc các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng nông sản và thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc bán hàng trong nước, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu thực tế vẫn cần nhiều bộ tiêu chuẩn hơn nữa”, ông Tạc cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ.

Cánh cửa CPTPP được mở, có chất lượng nông sản mới vào được các nước (VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang